Ngày 12/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã dẫn đầu Đoàn liên ngành đến làm việc tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) kiểm tra tình hình thi hành pháp luật (THPL) về điều kiện đầu tư kinh doanh và công tác hợp tác quốc tế về pháp luật. Tiếp Đoàn có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH.
Đã cắt giảm, đơn giản hóa 45/99 điều kiện đầu tư kinh doanh
Báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) Mai Đức Thiện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH. Theo đó, Nghị định này đã cắt giảm, đơn giản hóa một số điều kiện đầu tư kinh doanh và TTHC trong một số lĩnh vực.
Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 11/16 điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa 17 TTHC trong lĩnh vực an toàn lao động; cắt giảm, đơn giản hóa 24/66 điều kiện và bãi bỏ, đơn giản hóa 16 TTHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa 9/14 điều kiện và đơn giản hóa 3 TTHC trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; cắt giảm, đơn giản hóa 1/3 điều kiện và bãi bỏ, đơn giản hóa 12 TTHC trong lĩnh vực việc làm.
|
|
Về tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật, báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết: Việc vận động, xây dựng và phê duyệt các chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật của Bộ LĐTBXH thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 16. Bộ LĐTBXH mong muốn đơn giản hóa thủ tục phê duyệt các khoản viện trợ phi dự án có giá trị nhỏ và đưa ra một số giải pháp như tập huấn về kỹ năng đối ngoại, phổ biến những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các quy định pháp luật cho cán bộ đầu mối hợp tác quốc tế về pháp luật để nâng cao nhận thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp, năng động cho đội ngũ này.
Nhiều lĩnh vực nhạy cảm
Tại buổi làm việc, lắng nghe một số câu hỏi từ các thành viên Đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Diệp đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề. Ông cũng cho biết một số đánh giá về tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Riêng đối với tổ chức, cá nhân và công dân thì về cơ bản, các doanh nghiệp duy trì và thực hiện tốt các điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình xin cấp phép cũng như trong quá trình tổ chức hoạt động. Ông chia sẻ, lĩnh vực pháp luật về lao động, người có công và xã hội là rất rộng, nhiều lĩnh vực pháp luật riêng cho từng mảng việc quản lý nhà nước về lao động, việc làm, tiền lương, quan hệ lao động, giáo dục nghề nghiệp, người có công, bảo trợ xã hội. Trong đó, có những lĩnh vực nhạy cảm như cho thuê lại lao động, bảo trợ xã hội…
Quan điểm của Bộ LĐTBXH là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, kể cả việc cấp phép, nhưng thông thoáng không đồng nghĩa với dễ dãi. Bởi thực tế vẫn có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật do không chấp hành pháp luật thì cũng có một số doanh nghiệp vi phạm do gặp vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ LĐTBXH kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp trong hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH; kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế tài chính cho công tác theo dõi THPL tại các bộ, ngành, địa phương.
|
|
Kết luận sơ bộ buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, triển khai theo dõi tình hình THPL của Lãnh đạo Bộ LĐTBXH và sự tham gia của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ vào công tác này. Kết quả triển khai công tác theo dõi tình hình THPL mà Bộ LĐTBXH đã triển khai từ đầu năm tới nay là rất đáng ghi nhận. Nhất trí với những tồn tại, hạn chế đã được Bộ LĐTBXH nêu lên, Thứ trưởng Oanh nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ về ý nghĩa, vai trò của công tác theo dõi tình hình THPL, đặc biệt là công tác theo dõi THPL trong lĩnh vực điều kiện đầu tư kinh doanh; tăng cường công tác phối hợp, xây dựng Quy chế phối hợp theo dõi tình hình THPL giữa các đơn vị thuộc Bộ để công tác theo dõi THPL về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực LĐTBXH đi vào thực chất và có hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Oanh cũng đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình THPL. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động về theo dõi tình hình THPL, trong đó chú trọng việc tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin về tình hình THPL theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng và trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát thực tiễn để kịp thời phản ứng chính sách theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Hoàng Thư