Bộ Tư pháp và tỉnh Ninh Bình cùng phối hợp nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp, THADS

20/10/2018
Bộ Tư pháp và tỉnh Ninh Bình cùng phối hợp nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp, THADS
Chiều 19/10, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu đoàn công tác Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Bình về công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự (THADS).

Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Cục Con nuôi, Trung tâm Lý lịch tư pháp, Văn phòng Bộ.
Về phía tỉnh Ninh Bình có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Thanh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đinh Chung Phụng và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Tỉnh đánh giá cao vị trí, vai trò của công tác Tư pháp, THADS
Phát biểu chào mừng Hội nghị làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh khái quát đôi nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bà cho biết, cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Ninh Bình đã có những bước phát triển ngoạn mục. Nổi bật là về công tác xây dựng Đảng, an ninh tôn giáo, phát triển kinh tế (nửa đầu nhiệm kỳ này đã đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu với mức tăng trưởng GDP trung bình đạt 8,2%, thu ngân sách gần 12 nghìn tỷ) hay trong xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình đứng thứ 10 trong cả nước. Theo bà Thanh, tuy nguồn thu ngân sách chưa lớn so với một số địa phương nhưng tỉnh luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, đơn cử như người cao tuổi theo quy định là 80 tuổi thì ở Ninh Bình người từ 75 tuổi trở lên là được cấp thẻ bảo hiểm.

Đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng, không thể thiếu của Bộ, Ngành Tư pháp đối với đất nước thì tương tự tại địa phương, bà Thanh khẳng định, những kết quả đạt được như trên chính là nhờ một phần sự đóng góp hết sức thiết thực của công tác Tư pháp, THADS trên địa bàn. Nhân dịp này, bà Thanh cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, bà Thanh cho hay, trong quá trình triển khai nhiệm vụ cũng phát sinh những bất cập như chồng chéo, xung đột pháp luật. Vì vậy, bà Thanh hy vọng tại Hội nghị làm việc sẽ có được các giải pháp hiệu quả tháo gỡ những xung đột pháp lý trong tổ chức thực hiện để giúp Ninh Bình có cái nhìn tổng thể hơn trong giải quyết các bất cập nhằm phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Minh Thường và Cục trưởng Cục THADS Phạm Xuân Túy đã báo cáo rõ thêm về những kết quả đạt được của công tác Tư pháp và THADS. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các mặt công tác với các giải pháp phù hợp và hoàn thành được khoảng 90% chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Ngành THADS tỉnh đã tích cực, triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, kịp thời các mặt công tác, vượt mức 2 chỉ tiêu Quốc hội giao (về việc đạt 75,83% - vượt 5,83% chỉ tiêu được giao, về tiền đạt 37,4% - vượt 7,5% chỉ tiêu được giao). So với chỉ tiêu Tổng cục giao, vượt 3/4 chỉ tiêu: vượt 3,8% về việc, vượt 5% về tiền, giảm việc chuyển kỳ sau 1%, riêng tiền chuyển kỳ sau tăng 4,1%. Bên cạnh đó, 2 đồng chí đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc mong được Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ đưa ra hướng xử lý như kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn ít; một số tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá còn xảy ra trường hợp cạnh tranh không lành mạnh; thực trạng số việc, tiền thụ lý ngày càng tăng, tính chất phức tạp ngày càng lớn, chỉ tiêu nhiệm vụ ngành, cấp ủy, chính quyền giao thường xuyên được bổ sung nhưng biên chế giảm quá nhanh trong 3 năm (giảm 7,7%); một số Chi cục THADS chưa có kho vật chứng nên các tài sản lớn phải đi gửi, nhiều tài sản khi giải quyết xong thì tiền giữ phải trả đã chiếm đến 3/4 giá trị tài sản…
Giải đáp nhiều vướng mắc cho địa phương
Trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của địa phương, các thành viên đoàn công tác đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề. Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nhận thấy Ninh Bình triển khai nghiêm túc các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Tuyến, số lượng văn bản do cấp huyện ban hành hiện nhiều hơn do cấp tỉnh ban hành nên tỉnh cần sát sao hơn trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, mặc dù tỉnh rất quan tâm đến công tác pháp chế nhưng ghi nhận thực tế thì đội ngũ cán bộ pháp chế còn mỏng, đòi hỏi phải bố trí đủ số lượng, chất lượng mới đáp ứng ngang tầm với yêu cầu hiện nay; nghiên cứu việc giao ban công tác pháp chế tại địa phương.
Nói riêng về công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, theo quy định hiện hành, địa phương có quyền ban hành Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong điều kiện cán bộ pháp chế các sở, ngành còn mỏng thì phải “kéo” đội ngũ cán bộ Tư pháp tham gia vào. Ninh Bình đang có khoảng 6 nghìn doanh nghiệp, mục tiêu thành lập khoảng 10 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020, theo nhận xét của ông Tú, Sở đã phối hợp chặt với Bộ trong triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp và tới đây cần tiếp tục thúc đẩy công tác này để nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực thì kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp huyện, cấp xã, tăng cường phối hợp trong công tác THADS, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc kéo dài, cấp kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo THADS, hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan THADS, chỉ đạo cấp huyện xem xét cấp mặt bằng để cải tạo trụ sở làm việc, kho vật chứng (mới có 4/9 đơn vị có kho vật chứng). Ngoài ra, ông Lực mong muốn các cơ quan khối Nội chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS; Tòa án chuyển giao bản án, kịp thời giải thích bản án có vướng mắc; Viện kiểm sát tăng cường kiểm sát thi hành án; Công an phối hợp trong tổ chức thi hành án, nhất là đối với những trường hợp phải cưỡng chế…

Vui mừng trước sự đánh giá, ghi nhận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đối với công tác Tư pháp, THADS trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu Sở Tư pháp và Cục THADS cần tích cực, chủ động tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn tỉnh Ninh Bình trong sắp xếp tổ chức bộ máy, lưu tâm đến Thông tư hướng dẫn thay thế Thông tư liên tịch số 23, làm sao việc tinh gọn bộ máy cố gắng giữ được tên “pháp chế” trong cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm có vị trí “cán bộ pháp chế”…
Muốn mọi việc “chuẩn chỉ”, phải có sự tham mưu của cán bộ Tư pháp
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến nhấn mạnh, hiện nay muốn làm mọi việc “chuẩn chỉ”, chắc chắn phải có sự tham mưu của cán bộ Tư pháp và ông gửi lời cảm ơn đội ngũ cán bộ Tư pháp thời gian qua đã luôn nỗ lực đóng góp cho địa phương. Chia sẻ hiện nay đang có nhiều áp lực về biên chế, nguồn lực nhưng Chủ tịch tỉnh cam kết sẽ cố gắng vận dụng các quy định pháp luật để quan tâm hơn nữa cho công tác Tư pháp và THADS.
Bộ trưởng Lê Thành Long tâm niệm, công tác Tư pháp hiện có trên dưới 30 đầu việc, trong khi xã hội càng dân chủ, càng phát triển thì càng phải thượng tôn pháp luật, còn công tác THADS thì ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Qua đây, Bộ trưởng cảm ơn những đóng góp của công tác Tư pháp, THADS vào kết quả chung của Bộ, Ngành Tư pháp cũng như chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã luôn chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác Tư pháp, THADS.
Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác Tư pháp và THADS, Bộ trưởng đề nghị tới đây lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo trực tiếp hơn nữa để tạo bản lĩnh, nâng cao tham mưu trong các lĩnh vực công tác cho cán bộ Tư pháp. Thấu hiểu những hạn chế về kinh phí cho công tác PBGFPL, theo Bộ trưởng phải bố trí đúng quy định nhưng lãnh đạo tỉnh có thể chỉ đạo ưu tiên thêm một phần kinh phí để hoạt động này hiệu quả. Đối với các lĩnh vực bổ trợ, các nghề đã xã hội hóa như công chứng, đấu giá thì phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm kịp thời. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo công tác THADS, có điều kiện thì quan tâm thêm vấn đề trụ sở của cơ quan THADS…