Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp vào sáng ngày 17/10. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp. Theo đó, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án dài hạn và hàng năm.
Ban Cán sự Đảng đã chú trọng chỉ đạo công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, Bộ Tư pháp xếp thứ 4/19 về Chỉ số cải cách hành chính, được đánh giá là một trong các bộ thực hiện tốt nhất việc chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính; xếp thứ 3/19 bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử.
Với phương châm “hướng về cơ sở”, Ban Cán sự Đảng đã chú trọng củng cố, tăng cường quan hệ phối hợp công tác với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; tích cực tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tranh chấp đầu tư quốc tế.
Cũng theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Bộ, Ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác tư pháp, bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác bổ trợ tư pháp, công tác hành chính tư pháp, công tác thi hành án dân sự, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp.
|
|
Cùng với những kết quả đã đạt được, công tác tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Thường trực Ban Bí thư quan tâm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật; kiểm tra, giám sát điểm công tác này tại một số cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó là chỉ đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ, Ngành Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tư pháp trên địa bàn…
Trên cơ sở gợi ý của Thường trực Ban Bí thư, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đều ấn tượng và đánh giá cao kết quả công tác của Bộ Tư pháp, nhất là công tác xây dựng pháp luật, đồng thời chia sẻ với những áp lực của Bộ trong công tác này và đưa ra một số kiến nghị. Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mong muốn Bộ Tư pháp quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho rằng cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai tốt các nhóm giải pháp cơ bản tại Nghị quyết số 49/NQ-TW; nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tạo điều kiện cho công tác cán bộ Ngành Tư pháp nói riêng, các cơ quan khối Nội chính nói chung…
|
|
Với đặc thù của Bộ, Ngành Tư pháp là chuyên môn rất sâu, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra những nguyên nhân góp phần làm nên thành quả của Bộ trong thành tựu chung của đất nước thời gian qua, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đóng góp, nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ. Trong thời gian tới, một trong những mong muốn được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ là Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn đến công tác xây dựng pháp luật, công tác tư pháp địa phương.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã bám sát quan điểm, chủ trương, các nghị quyết của Đảng và triển khai thực hiện có kết quả, hoàn thành một khối lượng công việc lớn phục vụ cho sự phát triển của đất nước, từ xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng trưởng kinh tế đến an ninh trật tự.
Đồng chí đánh giá cao và bày tỏ sự ấn tượng với 5 lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành Tư pháp. Theo đồng chí, Bộ Tư pháp đã góp phần rất quan trọng vào công tác xây dựng pháp luật, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cụ thể ở 4 khía cạnh là góp phần xây dựng chiến lược cho Đảng; tham mưu xây dựng chương trình pháp luật toàn khóa và hàng năm; chủ trì xây dựng nhiều dự án luật quan trọng; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Thường trực Ban Bí thư cũng ghi nhận những cố gắng của Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự vốn nhiều khó khăn, phức tạp. Chia sẻ với những khó khăn trong công tác thi hành án, đồng chí chỉ ra rằng hàng năm Bộ phải báo cáo với Quốc hội về công tác thi hành án, trong đó có thi hành án hình sự thì tới đây cần quản lý nhà nước như thế nào, tham gia xây dựng chính sách ra sao
Đồng chí biểu dương công tác bổ trợ tư pháp đã góp phần để hoạt động tư pháp công minh, dân chủ, chính xác hơn và hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, đồng chí ấn tượng với đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đây là thành quả của cả một quá trình Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp các nhiệm kỳ quan tâm chỉ đạo sát sao, trình độ chuyên môn cao, nhiều cán bộ làm việc được với nước ngoài, điều hành hội nghị quốc tế. Bộ cũng nghiêm túc thực hiện một cách bài bản các Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy, biên chế.
Thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cần nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Bộ Tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập. Đồng chí yêu cầu Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, phải là “tổng tham mưu trưởng” của Chính phủ về công tác này và phải chủ động tham mưu xây dựng chiến lược pháp luật phù hợp với Chiến lược kinh tế giai đoạn 2020 – 2030. Đồng thời, theo đồng chí, phải lưu tâm hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, bám sát điều kiện của đất nước, tạo sức sống lâu dài cho các văn bản pháp luật. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị tiếp tục quan tâm công tác pháp điển quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản; tiếp tục thực hiện tốt công tác thi hành, chú trọng quan hệ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra; tăng cường quản lý công tác bổ trợ tư pháp… và phải chú trọng công tác xây dựng Đảng, phải góp sức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Hoàng Thư