Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri (Hiệp định năm 1985) được ký ngày. Qua hơn 30 năm thực hiện một số quy định tương trợ tư pháp về dân sự của Hiệp định năm 1985 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập và không thực sự còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế, xã hội và phát luật hai nước đã phát triển.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước cho phép đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Hung-ga-ri (Hiệp định). Dự thảo Hiệp định đã qua hai Vòng đàm phán, Vòng thứ nhất tại Hà Nội tháng 01/2018 và Vòng thứ hai tại Bu-đa-pét, Hung-ga-ri tháng 5/2018. Sau hai Vòng đàm phán, hai Bên đã thống nhất toàn bộ 35 điều của dự thảo Hiệp định.
Để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định, vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Hung-ga-ri (dự thảo Hiệp định) theo Quyết định số 2071/QĐ-BTP ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 504/QĐ-BTP ngày 26/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Về việc thẩm định điều ước quốc tế. Thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm Chủ tịch Hội động.
Đại diện cơ quan chủ trì đề xuất ký Hiệp định, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã báo cáo Hội đồng về quá trình soạn thảo, đàm phán Hiệp định và có những đánh giá toàn diện, cụ thể về những điểm mới, tiến bộ của Hiệp định trên cơ sở kế thừa, phát triển, hiện đại hóa các quy định tương ứng của Hiệp định năm 1985. Đồng thời, bà Hương cũng giải trình cụ thể ý kiến góp ý của các bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo Hiệp định sau khi kết thúc đàm phán.
Phát biểu tại cuộc họp thẩm định, các thành viên Hội đồng đều thống nhất nhận định việc ký Hiệp định thay thế Hiệp định năm 1985 là cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội hai nước có nhiều bước phát triển mới, quy định pháp luật hai nước đã thay đổi so với thời kỳ những năm 1980. Việc Việt Nam và Hung-ga-ri ký hiệp định không chỉ tạo hành lang pháp lý để hai bên hỗ trợ nhau trong giải quyết các tranh chấp và yêu cầu phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước mà còn tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa CHXHCN Việt Nam và Hung-ga-ri. Về nội dung, các thành viên Hội đồng cho rằng dự thảo Hiệp định không trái Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các quy định pháp luật có liên quan. Hiệp định sau khi có hiệu lực có thể áp dụng trực tiếp, toàn bộ, không phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luât mới để thi hành. Đặc biệt, dự thảo Hiệp định đã kế thừa có chọn lọc và hiện đại hóa các quy định của Hiệp định năm 1985, trong đó có tiếp thu các quy định của Công ước LaHay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại mà Việt Nam và Hung-ga-ri cùng là thành viên; đảm bảo tính khả thi cũng như phù hợp pháp luật và điều kiện của mỗi Bên. Các quy định của dự thảo Hiệp định được xây dựng theo hướng có giá trị sử dụng lâu dài để tránh trường hợp phải sửa đổi, bổ sung Hiệp định. Góp ý hoàn thiện dự thảo Hiệp định, một số ý kiến thành viên Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì đề xuất ký Hiệp định rà soát lại ngôn ngữ tại bản tiếng Việt đảm bảo phù hợp với văn phong và thuật ngữ pháp lý.
Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt các thành viên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhất trí nội dung dự thảo Hiệp định và đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, rà soát, chỉnh sửa bản tiếng Việt dự thảo Hiệp định và hoàn thiện hồ sơ tiến hành các thủ tục tiếp theo để đề xuất Chính phủ trình Chủ tịch nước ký Hiệp định.
Phòng Tư pháp quốc tế