Chiều 11/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về rà soát thực trạng pháp luật và đề xuất định hướng hoàn thiện khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản (ĐKTS).
Tiến hành rà soát 74 văn bản
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan cho biết, tổng số văn bản được rà soát bao gồm 74 văn bản luật, nghị định, thông tư về ĐKTS trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở kinh doanh bất động sản; lâm nghiệp; hàng không, hàng hải, phương tiện giao thông; sở hữu trí tuệ; chứng khoán. Qua rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung 4 văn bản nhằm đảm bảo sự phù hợp với tiêu chí rà soát cũng như quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản và quyền sở hữu.
Đánh giá thực trạng pháp luật về ĐKTS, bà Lan cho biết, công tác xây dựng pháp luật về ĐKTS bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, các quy định về ĐKTS còn phân tán trong nhiều đạo luật và văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều tồn tại, hạn chế về nguyên lý ĐKTS, về cơ chế ĐKTS, về cơ chế công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản. Chỉ đề cập riêng đến bất động sản, pháp luật hiện hành đang thiếu thống nhất về giá trị pháp lý của hoạt động đăng ký đối với tài sản này. Thông tin về bất động sản thì phân tán tại nhiều cơ quan như cơ sở dữ liệu về đất đai thuộc sự quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản quốc gia do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng, lưu trữ và quản lý; cơ sở dữ liệu về đất lâm nghiệp thuộc các khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý…
Trong lúc đó, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản được hiểu bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Như vậy, phạm vi tài sản được hiểu khá rộng, có tính khái quát cao và có nhiều loại tài sản hiện đang thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hàng không, Bộ luật Hàng hải… Hiện nay, khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ĐKTS đã có sự ổn định với sự tồn tại của nhiều đạo luật và văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống ĐKTS được xây dựng và quản lý bởi các bộ, ngành khác nhau nên giải pháp phù hợp trước mắt là chưa xây dựng Luật ĐKTS mà tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về ĐKTS trong một số lĩnh vực dựa trên kết quả rà soát.
Thống nhất đầu mối về đăng ký bất động sản
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Hồ Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải phần lớn cho rằng việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký trong một số lĩnh vực như tàu bay, tàu biển, sở hữu trí tuệ… phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế nên cần thiết tập trung hơn vào đánh giá thực trạng pháp luật liên quan đến đăng ký bất động sản. Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị nên đề xuất trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến ĐKTS thuộc lĩnh vực quản lý; làm rõ định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐKTS…
Chia sẻ đây là vấn đề khó, đụng chạm, phải hoàn thiện rất nhiều, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh quan điểm trước mắt không xây dựng luật riêng mà chỉ là hoàn thiện pháp luật có liên quan để quy định việc đăng ký là bắt buộc nhưng thỏa thuận giữa 2 bên phải có giá trị nhất định nào đó, tránh “lật kèo”. Trong đó, Thứ trưởng đồng tình với đề nghị không đi sâu vào đánh giá thực trạng pháp luật về đăng ký một số loại tài sản vốn phải theo chuẩn quốc tế như tàu bay, tàu biển, sở hữu trí tuệ, thậm chí cả chứng khoán…
Đối với loại tài sản quan trọng cần quan tâm hoàn thiện là bất động sản, theo Thứ trưởng phải làm sao xác định là sẽ gom lại 1 đầu mối, đảm bảo thuận tiện cho quản lý nhà nước, cho giao dịch, cho người dân, không tiếp diễn tình trạng “1 lô đất lại có nhiều loại tài sản đăng ký ở các cơ quan khác nhau”. Bàn về vai trò của công chứng và đăng ký, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là 2 hoạt động cùng nằm trong cả tiến trình gắn kết với nhau, không hoạt động nào giữ vai trò quan trọng hơn hoạt động nào mà phải cùng hướng đến 1 mục đích thống nhất về đăng ký bất động sản theo quy trình “2 trong 1”. Thứ trưởng cũng đề nghị đánh giá sâu hơn về cơ chế minh bạch, công khai, nhất là trong đăng ký bất động sản, đồng thời yêu cầu tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về ĐKTS và lấy ý kiến của các bộ, ngành.
T.Quyên