Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên và môi trường: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

06/07/2018
Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên và môi trường: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp
Chiều 5/7, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu đã đến làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN & MT). Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Về phía Bộ Tài nguyên môi trường có Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các Thứ trưởng Lê Công Thành, Trần Quý Kiên cùng đại diện một số đơn vị.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Trần Hồng Hà chung nhận định, thời gian qua công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, các dự án Luật lớn của Bộ TN & MT đều có sự tham gia, cho ý kiến rất chất lượng của Bộ Tư pháp. Trong sự cố môi trường Formosa, Bộ Tư pháp đã tích cực đồng hành cùng Bộ TNMT giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan. Nhiều văn bản do Bộ TNMT xây dựng được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Tư pháp đã chia sẻ giúp Bộ TNMT xem xét lại các chủ trương, chính sách cho hợp lý, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thời gian tới, hai Bộ trưởng mong muốn công tác phối hợp giữa hai Bộ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là tới đây Bộ TNMT sẽ tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, Luật tài nguyên môi trường là những luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp. Đồng thời, hai Bộ sẽ cùng nhau xử lý những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý của hai ngành.
Báo cáo những nét chính trong công tác phối hợp, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ TN & MT Phan Tuấn Hùng cho biết, trong quá trình hoàn thiện xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tài nguyên và môi trường, Bộ Tư pháp đã có những đóng góp, hỗ trợ quan trọng, đã tổ chức thẩm định 176 VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ TN & MT chủ trì soạn thảo. Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp luôn là cơ sở quan trọng để Bộ TN & MT hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các dự thảo văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Bộ Tư pháp và Bộ TN & MT đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, phát hiện và đề xuất xử lý các văn bản trái pháp luật của địa phương. Bộ TN & MT đều cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra VBQPPL tại địa phương của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng có ý kiến về chuyên môn trong công tác pháp điển VBQPPL do Bộ TN & MT thực hiện.
Thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, các đơn vị thuộc Bộ TN &MT đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp kịp thời và thường xuyên phổ biến các VBQPPL mới ban hành đến các luật có liên quan. Bộ TN & MT luôn tham gia tích cực và hiệu quả các hoạt động của Hội đồng PBGDPL TW.
Bộ TN & MT cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển khai các nhiệm vụ khác liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là đăng ký đất đai; thi hành án dân sự, giám định tư pháp…
Tuy nhiên, công tác phối hợp ở một số lĩnh vực còn khiêm tốn, một số công tác chưa có sự chủ động phối hợp thực hiện. Thời gian tới, Bộ TN & MT đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với Bộ TN & MT trong việc nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL; tăng cường tập huấn, hỗ trợ về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng VBQPPL, thẩm định VBQPPL tại Bộ TN & MT; phối hợp xây dựng, thực hiện đề án phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực TN & MT mang tính dài hạn; đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ và cho một số công chức của Bộ TN & MT tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế. Đặc biệt, Bộ TN & MT đề nghị xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp trong xử lý công việc giữa Bộ TN & MT – Bộ Tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa hai Bộ.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN & MT đã phản ánh nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ TN &MT như những khó khăn trong việc thi hành Luật đất đai do những mâu thuẫn của Luật này với một số Luật liên quan, sự chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến những khiếu nại ở địa phương. Tình trạng mâu thuẫn chồng chéo cũng xảy ra trong pháp luật về môi trường. Ngoài ra, đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN & MT cũng đề nghị Bộ Tư pháp có các giải pháp nâng cao tính khả thi trong việc xử lý tội phạm môi trường theo quy định của BLHS…
Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng phản ánh những vấn đề trong sửa đổi Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường với những mâu thuẫn để giải quyết những bất cập trong thực tế và những vướng mắc, vụ việc cụ thể, đề xuất kiến nghị liên quan đến đất đai; đề xuất các cơ chế tháo gỡ khó khăn trong giám định các vụ án liên quan đến lĩnh vực TN &MT; cơ chế liên thông giữa công chứng – đất đai để phục vụ người dân tốt hơn; gỡ vướng trong kê biên phát mại tài sản là quyền sử dụng đất để Thi hành án do hiện nay nhiều vụ việc đang bị kéo dài. Bên cạnh đó, Bộ TN & MT cần cơ chế thu hút những cán bộ có năng lực, tâm huyết về làm công tác pháp chế, khắc phục bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên…
Kết thúc, Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao buổi làm việc trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cùng nhau đánh giá và nhận diện đúng các vấn đề khó khăn cần tháo gỡ của hai ngành trong công tác phối hợp. Đặc biệt là những khó khăn không chỉ trong công tác quản lý của hai Bộ mà liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất trong thời gian sớm nhất, hai Bộ sẽ có Quy chế phối hợp trong công tác. Phía Bộ TN & MT sẽ do Vụ Pháp chế làm đầu mối, Bộ Tư pháp do Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật làm đầu mối, định kỳ sẽ đánh giá việc thực hiện Quy chế.
                             Thu Hằng