Bộ trưởng Lê Thành Long: Cà Mau là điểm sáng trong hoạt động Tư pháp của khu vực

22/06/2018
Bộ trưởng Lê Thành Long: Cà Mau là điểm sáng trong hoạt động Tư pháp của khu vực
Chiều 21/6, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp thăm và làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau Sở Tư Pháp và Cục THADS tỉnh. Tiếp Đoàn công tác có ông Dương Thanh Bình – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau; Phó Chủ tịch UBND tỉnh -Trần Hồng Quân; cùng lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự (THADS) và các sở, ban, ngành tỉnh. Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá hoạt động tư pháp Cà Mau khá sôi động là một trong những điểm sáng trong trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Tư pháp Cà Mau đã chủ động tham gia vào chương trình kế hoạch của Bộ và triển khai các hoạt động theo đề án tại địa phương.

Báo cáo trước Đoàn công tác, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, công tác tư pháp và công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời. Các chương trình, kế hoạch cũng được ban hành bám sát với các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra; công tác tổ chức cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, cải cách hành chính tiếp tục được củng cố, kiện toàn hoạt động có hiệu quả. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương; hoạt động thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường trên nhiều lĩnh vực góp phần hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thì hành pháp luật; công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường Nhà nước, được tỉnh chỉ đạo, thực hiện khả tốt. Toàn tỉnh Cà Mau có 1.419 tủ sách pháp luật, số lượng sách ở mỗi tủ sách từ 35 đến 340 đầu sách, đã phục vụ cho khoảng 100.000 lượt người khai thác. Tập trung triển khai thực hiện pháp luật về hộ tịch, kết quả thực hiện các loại hộ tịch được 69.330 việc. Toàn tỉnh hiện có 52 luật sư, 28 tổ chức hành nghề luật sư…

Công tác quản lý về công chứng được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả ngày càng tốt hơn. Công tác trợ giúp pháp lý được quan tâm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2018, kết quả đã thực hiện trợ giúp pháp lý 415 vụ việc. Trong công tác hòa giải cơ sở, tỉnh Cà Mau có 949 tổ hòa giải trên địa bàn khóm, ấp với 6.354 hòa giải viên; trong những tháng đầu năm đã tiếp nhận 736 đơn, đưa ra hòa giải ở cơ sở 635 đơn đạt 86%, hòa giải thành đạt 82%. Công tác triển khai các văn bản pháp luật cũng được địa phương quan tâm thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long .

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết thêm, một số khó khăn trong lĩnh vực tư pháp của địa phương, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đảm bảo, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp ở các đơn vị địa phương còn kiêm nhiệm, chưa có chính sách đãi ngộ cho cán bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện kế hoạch đề ra.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 gặp khó khăn khi phải xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan, tổ chức khác có liên quan nhưng không quy định thời gian phải trả lời ý kiến, do đó địa phương gặp khó khăn nhất định.

Đồng thời, Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định “tổ chức pháp chế” tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thiện và phát triển nhưng hiện có nhiều thông tư của bộ, ngành có liên quan, thì “tổ chức pháp chế” tại các sở, ban, ngành không còn mà được ghép lại phòng hoặc chuyển nhiệm vụ này về bộ phận “văn phòng” và bố trí “người thực hiện công tác pháp chế”, điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện và thực hiện không thông nhất. Công tác phối hợp quản lý Nhà nước về luật sư tại địa phương còn hạn chế…

Về công tác thi hành án dân sự, 8 tháng đầu năm 2018 (tính từ 1/10/2017 đến 31/5/2018) tổng số vụ thụ lý 16.326 việc, trong số có điều kiện giải quyết xong 6.683 việc đạt tỷ lệ 56,6%; việc tiền tổng số tiền thụ lý hơn 1.323 tỷ đồng, trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong gần 91 tỷ đồng, chiến tỷ lệ 11,2%; chưa đạt hoàn thành được tiến độ theo mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân do một số công chức có chức danh tư pháp đôi lúc còn chủ quan, chưa tích cực nghiên cứu, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự dẫn đến việc vận dụng, áp dụng trong thực tiễn còn lúc túng, sai sót, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong quá trình hoạt động.

Nhiều tài sản bán đấu giá, giảm giá rất nhiều lần nhưng chưa có người mua, tài sản chung, tài sản có thể tranh chấp, người phải thi hành án hung hăng đe dọa người mua tài sản, khiếu nại tốt cáo lâu dài… Đặc biệt là trên địa bàn Cà Mau vẫn còn 2 Chi cục chưa có trụ sở (Chi cục THADS huyện Phú Tân và Chi Cục THADS huyện Năm Căn) và 6 đơn vị chưa có xây dựng được kho vật chứng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm việc với sở Tư pháp tỉnh Cà Mau

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá hoạt động tư pháp địa phương khá sôi động là một trong những điểm sáng trong trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Tư pháp Cà Mau đã chủ động tham gia vào chương trình kế hoạch của Bộ và triển khai các hoạt động theo đề án tại địa phương.

Bên cạnh đáng giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của địa phương, Bộ trưởng cũng lưu ý, Tư pháp Cà Mau cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các luật như: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bồi thường Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin (sắp có hiệu lực)… sâu, rộng trên địa bàn; song song  đó, cần tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực công chứng, bán đấu giá tài sản; cần chú ý thể hiện tốt hơn nữa vai trò thẩm định, góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Chú trọng kiểm tra công tác công chứng, luật sư trên địa bàn, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động hành nghề tư pháp.

Đối với hoạt động THADS địa phương, Bộ trưởng cũng lưu ý, Thi hành án cần thực hiện quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian từ đây cho đến cuối năm. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra ở từng đơn vị để kịp thời, phòng ngừa, chấn chỉnh không để xảy ra vi phạm. Cục, các Chi cục cần quan tâm hơn nữa công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết tốt việc khiếu nại tố cáo. Bên cạnh đó, cần phát huy công tác phối hợp liên ngành từ cấp tỉnh đến địa phương; các cơ quan trên địa bàn, luôn tăng cường sự chủ động tích cực trong việc tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự kịp thời, hiệu quả; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, xin ý kiến thực hiện từ của Cấp uỷ, Chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả công tác THADS trên địa bàn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận những ý kiến đánh giá cũng như những kiến nghị của Ngành Tư pháp, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cho biết, ngành Tư pháp của địa phương đã chủ động làm tốt công tác thực hiện hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương giao.

Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực tư pháp tại địa phương; công tác thi hành án là một trong những vấn đề địa phương tập trung quan tâm tạo điều kiện. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng đề nghị các Sở, ban ngành tỉnh quan tâm phối hợp để ngành tư pháp Cà Mau thực hiện tốt nhiệm vụ trọng trách của ngành; đặc biệt là trong công tác đảm bảo thực hiện công tác thi án dân sự.

Sáng cùng ngày, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh Cà Mau.
 Thành Thật