Sáng 19/6, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và tiêu chí đánh giá chất lượng công tác soạn thảo VBQPPL của bộ, ngành, địa phương”.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, thực tiễn thời gian qua đã cho thấy tính đúng đắn của các quy định trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật năm 2015, góp phần nâng cao một bước chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Với Luật này, lần đầu tiên đã quy định tách bạch rõ 2 công đoạn gồm xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách và soạn thảo văn bản (được hiểu chính là quy phạm hóa các chính sách đã được thông qua). Để đưa Luật, Nghị định 4 đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm quán triệt, tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khâu yếu đòi hỏi phải có được giải pháp khắc phục đột phá.
|
|
Theo Thứ trưởng, một trong số đó là kỹ năng của cán bộ tham gia công tác soạn thảo còn hạn chế, nhiều người chưa được đào tạo bài bản về kỹ thuật soạn thảo. Ngoài ra, việc tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến cũng là vấn đề ảnh hưởng nhiều đến chất lượng soạn thảo. Đáng chú ý, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật chưa thật chặt chẽ và rất ít bộ, ngành xin ý kiến của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trước khi xây dựng chính sách, dẫn đến không được đồng ý.
|
|
Nêu kỹ hơn về thực trạng hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Võ Văn Tuyển cho biết, chất lượng VBQPPL luôn là vấn đề “nóng” và dành được sự quan tâm không chỉ của cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội. Một văn bản được ban hành mà không được sự đón nhận của xã hội thì lập tức tạo nên những hiệu ứng dây chuyền, tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể thấy, tình trạng ban hành văn bản kém chất lượng để lại nhiều hệ lụy mà trước hết là làm cho việc điều hành của bộ máy nhà nước kém hiệu quả; gây tốn kém về tiền bạc và thời gian của các cơ quan có trách nhiệm thực thi, thậm chí khi thực hiện không nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
|
|
Để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp. Ông Lại Quang Sinh (Bộ Nội vụ) cho rằng muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì phải đặt vấn đề cụ thể như có tăng lương cho cán bộ hay không. Đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (VKSNDTC) lại quan niệm phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu vì bất kỳ giải pháp nào muốn hiệu quả đều phải được lãnh đạo bộ, ngành, địa phương “quyết mới xong”. Ông Nguyễn Công Anh (Sở Tư pháp TP Hà Nội) đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cách xác định cơ sở pháp lý trong trường hợp địa phương ban hành những biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, nhất là những biện pháp giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội…
H.Thư