Ngày 1/6, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu dẫn đầu đã làm việc với Bộ Y tế về công tác lập hồ sơ đề nghị, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết thi hành thuộc lĩnh vực y tế. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo với đoàn công tác, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết Bộ có 2 dự án luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 là dự án Luật dân số và dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các dự án luật y tế dự kiến lập hồ sơ đề nghị vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2019 gồm có: Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật phòng bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Luật sửa đổi quy định về quy hoạch trong các luật: an toàn thực phẩm, phòng, chống tác hại thuốc lá và dược; Luật an toàn thực phẩm.
Về tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, có 4 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật dược và Luật đường sắt đã có hiệu lực; còn Nghị định quy định việc tổ chức, hoạt động dược lâm sàng đang soạn thảo và xin ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, thời hạn trình tháng 10/2019.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như tiến độ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng thời hạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Theo đó, chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm, Bộ, cơ quan ngang Bộ phải gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được chỉnh lý theo Nghị quyết của Chính phủ đến Bộ Tư pháp.
Việc thực hiện một số bước trong trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức; thành phần tài liệu hồ sơ chưa đầy đủ, chất lượng một số tài liệu trong hồ sơ còn hạn chế. Còn sự lúng túng trong quá trình lập đề nghị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tính cấp thiết, cần phải sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu về triển khai thi hành luật, pháp lệnh; vẫn còn tình trạng văn bản quy định chi tiết được ban hành chưa đảm bảo kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh. Khá nhiều văn bản vẫn phải điều chỉnh tiến độ, thời gian trình, ban hành.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định các dự án luật của Bộ Y tế có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nên quá trình xây dựng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Song, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực, triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án luật, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Nhờ đó, Bộ đã đạt được nhiều kết quả cụ thể như các dự án luật trong chương trình năm 2018 đã làm đúng quy trình, đảm bảo tiến độ và đang được tiến hành lấy ý kiến; các đề nghị xây dựng luật trong chương trình năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018 đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, Bộ đã giải quyết được tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật của Bộ Y tế vẫn còn những hạn chế nhất định như chất lượng xây dựng hồ sơ đề nghị, dự thảo một số luật chưa đạt yêu cầu; tiến độ thực hiện một số dự án luật, lập đề nghị còn chậm. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục nghiên cứu kỹ tính cần thiết của các dự án luật đã được đưa vào chương trình, từ đó tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, đánh giá tác động chính sách để đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đối với các đề nghị luật chưa được vào chương trình, Bộ cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Chính phủ.
Trong bối cảnh biên chế và kinh phí còn hạn hẹp như hiện nay, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh Bộ Y tế cần quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá để công tác xây dựng pháp luật của Bộ có chuyển biến rõ rệt về chất lượng và tiến độ. Theo đó, lãnh đạo Bộ cần tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo, nâng cao nhận thức cho các đơn vị thuộc Bộ về vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, thực hiện nghiêm quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Bộ Y tế cần có các biện pháp để tăng cường năng lực cho đội ngũ tham gia xây dựng pháp luật, trong đó lực lượng nòng cốt là Vụ Pháp chế. Bộ Tư pháp sẵn sàng hỗ trợ tài liệu, chuyên gia, giảng viên giúp Bộ Y tế trong công tác tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ pháp luật. Đặc biệt, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế, các nhà khoa học cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh tiến độ hình thành và xây dựng các dự án luật đồng thời nghiên cứu đổi mới quy trình chuẩn bị các dự án luật cũng như lề lối làm việc trong công tác xây dựng pháp luật. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ Tư pháp cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để công tác xây dựng pháp luật đạt chất lượng và có tính bền vững hơn.
Tiếp thu đầy đủ ý kiến của đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định Bộ luôn đề cao vai trò của công tác xây dựng thể chế và quyết liệt tiến hành các biện pháp để cải thiện tiến độ và chất lượng các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian tới, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp từ Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành khác để công tác xây dựng pháp luật đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hiện nay.
K.Quy