Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội đại diện cho Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (các đồng chí Huỳnh Thành Lập, Nguyễn Văn Bé, Trương Thị Ánh), Đoàn Đại biểu tỉnh Tây Ninh (đồng chí Nguyễn Đình Xuân); đại diện Vụ Các vấn đề xã hội - Văn phòng Quốc hội (đ/c Dương Ngọc Bích); đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Bà Lê Hồng Loan – Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em); đại biểu đến từ Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Công an, Tòa án nhân dân, Biên phòng, Hội phụ nữ, Đoàn Luật sư các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh và một số giảng viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã thay mặt Bộ Tư pháp, với tư cách là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự án Luật Phòng chống mua bán người, bày tỏ sự trân trọng đối với sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan và cá nhân các chuyên gia, các cán bộ hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người đối với dự án Luật. Trong bối cảnh dự án Luật đang được gấp rút chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 8 tới đây thì các ý kiến bình luận, góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ giúp cho việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật được hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng của dự án Luật trình ra Quốc hội.
Xuất phát từ mối quan tâm về diễn biến ngày càng nghiêm trọng của tội phạm mua bán người và sự phức tạp của tình trạng kết hôn với người nước ngoài, di cư vì mục đích du lịch, lao động ra nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, có hiệu lực pháp lý cao, trong đó quy định một cách tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác phòng, chống mua bán người là vô cùng cần thiết và cấp bách. Một ý kiến còn cho rằng đến thời điểm này Việt Nam mới ban hành Luật Phòng, chống mua bán người đã là hơi muộn, nhưng “thà muộn còn hơn không” - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh Trần Công Ly Tao đã bày tỏ tâm tư của mình như vậy.
Nhất trí với tiếp cận “lấy phòng ngừa là chính” của dự án Luật, các đại biểu đã thảo luận nhiều về các biện pháp phòng ngừa được quy định tại Chương II của dự thảo Luật, trong đó nhấn mạnh nội dung tuyên truyền, tư vấn để nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm, kỹ năng nhận diện người có hành vi mua bán người,… và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc giảm thiểu nguy cơ mua bán người xảy ra. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương tới địa phương và vấn đề hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác với các nước láng giềng như Campuchia cũng cần làm đậm nét hơn nữa trong dự thảo Luật để tạo ra cơ chế đồng bộ và huy động được sức mạnh tổng thể của toàn xã hội vào việc đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Tại hội thảo, đại diện UNICEF cũng đã có một bài bình luận chi tiết về từng chương và một số điều khoản cụ thể của dự thảo Luật, đặc biệt là các quy định có liên quan đến việc bảo vệ nạn nhân bị mua bán là trẻ em, qua đó thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Cơ quan Liên hợp quốc chuyên về vấn đề trẻ em đối với dự án Luật này./.
Nguyễn Hải Anh-Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp