Đảm bảo chiều sâu, thực chất hơn khi triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

07/05/2018
Đảm bảo chiều sâu, thực chất hơn khi triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ra mắt ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật của Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã dành thời gian trao đổi với phóng viên ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật về một số vấn đề liên quan đến các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp hướng đến nâng cao nhận thức pháp luật cho doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
* Thưa Thứ trưởng, Bộ Tư pháp đang chủ trì một chương trình rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp là Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585). Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả nổi bật, tác động của Chương trình đối với doanh nghiệp?
- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, trong năm 2017 vừa qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên toàn quốc, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật, hạn chế các rủi ro pháp lý; tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như trong năm đã xây dựng và phát sóng 42 Chương trình trên Đài Truyền hình Việt Nam, 208 số trên Đài Tiếng nói Việt Nam để giới thiệu những chính sách, các quy định mới của pháp luật kinh doanh, trong đó chú trọng phân tích, đánh giá tác động của những chính sách, quy định này tới hoạt động của doanh nghiệp; cảnh báo những rủi ro doanh nghiệp thường gặp, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Các chương trình này tiếp tục nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp;
Bên cạnh đó, hoạt động thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đạt được nhiều kết quả cụ thể. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới tại 30 tỉnh, thành phố có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, năm 2017, Ban Quản lý Chương trình 585 đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp duy trì, phát huy một số mô hình hỗ trợ hiệu quả để nhân rộng, áp dụng tại một số địa phương trong cả nước. Đội ngũ luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật tham gia mạng lưới tiếp tục được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các hình thức hỗ trợ được đa dạng hóa như giải đáp bằng văn bản, qua Trang thông tin điện tử, giải đáp trực tiếp, qua đó các doanh nghiệp đã được tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, nhất là tại các địa bàn được xác định là rất khó khăn này;
Ngoài ra, đã tổ chức trên 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật kinh doanh; 35 lớp bồi dưỡng kiến thức kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp; 16 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Qua các hoạt động này, các doanh nghiệp đã được kịp thời tiếp cận thông tin, cập nhật các chính sách, văn bản, các vấn đề pháp lý cần thiết; được trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các nhà quản lý, chuyên gia, hoạch định các chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là diễn đàn trao đổi đa chiều, để cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, qua đó, có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.
* Từ những kết quả tích cực trên, Thứ trưởng có thể chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình sẽ triển khai trong năm 2018?
- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018, Ban Quản lý Chương trình 585 đã xây dựng Kế hoạch thực hiện theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất hơn, trong đó xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng thụ hưởng, bám sát chủ trương, tinh thần quốc gia khởi nghiệp để phục vụ thiết thực hơn nhu cầu của doanh nghiệp đã được xác định qua kết quả điều tra, khảo sát thực tế; chú huy động, vận động nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào một số hoạt động cụ thể.
Đó là tiếp tục đổi mới Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam theo hướng xây dựng mô hình đối thoại đa chiều giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước, luật sư, luật gia và doanh nghiệp. Chú trọng phân tích những tình huống pháp luật kinh doanh thực tế; các chủ đề được lựa chọn phải là những vấn đề được dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, những “điểm nóng” , những vấn đề mang tính thời sự, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cập nhật, khai thác sự phát triển của mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh truyền thông về các Chương trình phát sóng.
Không những thế, sẽ phát huy, nhân rộng mô hình điểm đối với mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại một số địa phương thực hiện có hiệu quả. Xác định rõ đối tượng, loại hình doanh nghiệp được thụ hưởng gắn với đặc thù của từng địa phương, địa bàn; tiếp tục đổi mới các hình thức tư vấn theo hướng linh hoạt, mang lại hiệu quả cao, thiết thực cho doanh nghiệp; tạo lập cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia mạng lưới tư vấn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục nâng cấp Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó tập trung khai thác ứng dụng của công nghệ, mở rộng các chuyên mục, nhất là việc mở các kênh để tư vấn, giải đáp pháp luật, tiếp nhận những phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động; tích hợp, liên kết với các Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành Tư pháp như Báo Pháp luật Việt Nam, Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật. Sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu, tài liệu sẵn có từ các hoạt động thuộc Chương trình, các nguồn tư liệu khác của Bộ để xây dựng các bài giảng điện tử; cập nhật các tình huống pháp lý thực tiễn.
Cuối cùng là tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối thoại trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, chú trọng lựa chọn các chủ đề, lĩnh vực pháp lý liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với trọng tâm là hoàn thiện chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các vấn đề liên quan tới cắt, giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh; pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh; hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo tại Việt Nam; pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế.
Thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”
* Hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do người đứng đầu Chính phủ phát động, theo Thứ trưởng, Bộ Tư pháp cần triển khai những hoạt động nào để bảo đảm tính phù hợp với chức năng của Bộ, ngành mình nhằm góp phần thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo thành công trong hội nhập và phát triển là tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Xác định rõ vấn đề này, thời gian qua, hưởng ứng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đối với phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, với tư cách là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí gia nhập, tham gia thị trường của doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương nêu trên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp xác định rõ các nhóm giải pháp sau:
Về các giải pháp mang tính dài hạn, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân; thực hiện quản lý xã hội, quản lý kinh tế bằng pháp luật một cách minh bạch, thống nhất, đồng bộ, khả thi; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy nhà nước cả ở Trung ương và chính quyền địa phương; bảo đảm xã hội tuân thủ nghiêm pháp luật, góp phần đảm bảo quyền sở hữu, quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của xã hội, tạo lập niềm tin vào hệ thống giải quyết tranh chấp nhằm khai phóng các nguồn lực xã hội theo quy luật của kinh tế thị trường. Cùng với đó là phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho khởi nghiệp thành công, phát huy được vai trò của các hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Đối với các giải pháp trước mắt, một là tham gia một cách chủ động, tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trên nền tảng Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm xuyên suốt là tập trung tháo gỡ các rào cản cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh; tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực; hình thành đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh trong công tác thẩm định các chính sách pháp luật và dự thảo văn bản. Làm tốt việc này sẽ góp phần xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đơn giản, dễ áp dụng, có tính dự báo và tính ổn định cao. góp phần thực hiện mục tiêu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.
Hai là tham mưu áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tổ chức thi hành hiệu quả pháp luật. Để làm được điều này, trước hết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; tạo lập các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tuần thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, khắc phục thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp.
Ba là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án được Quốc hội giao, nhất là chỉ tiêu thi hành xong về việc và về tiền; chủ động thi hành án các vụ án lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước; tập trung giải quyết có hiệu quả các khoản nợ của tổ chức tín dụng; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài;
Bốn là thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, đảm bảo thị trường dịch vụ pháp lý thực sự hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, có tính hội nhập quốc tế cao nhằm cải thiện mạnh khả năng tiếp cận công lý, hệ thống pháp luật, tiếp cận cơ quan tư pháp của doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các thiết chế bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định, trọng tài, hòa giải, thừa phát lại, đấu giá tài sản, quản tài viên.
Năm là cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản pháp lý không cần thiết đối với quyền tự do kinh doanh. Loại bỏ mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để đảm bảo nền hành chính quốc gia phải vì quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và doanh nhân, lấy người dân, doanh nghiệp, doanh nhân làm trọng tâm phục vụ, khắc phục mọi biểu hiện trì trệ, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm.
Thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên là thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
*  Hiệp định CPTPP vừa ký kết đã đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu hoàn thiện thể chế, cải cách thể chế để mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tham gia thế nào vào quá trình hiện thực hóa các cam kết trong Hiệp định, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Đối với Hiệp định CPTPP, do nội dung Hiệp định này cơ bản không khác nhiều so với Hiệp định TPP trừ một số nội dung được tạm hoãn. Do đó, tác động của CPTPP đối với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng không khác nhiều so với tác động của Hiệp định TPP.
Về tác động của Hiệp định TPP, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 404/BC-BTP ngày 30/12/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát pháp luật và đánh giá tác động của Hiệp định TPP tới hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để thực hiện Hiệp định TPP tính đến hết tháng 12/2016. Kể từ thời điểm tháng 12/2016 đến nay, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong CPTPP sau khi Hiệp định này có hiệu lực, trên cơ sở kết quả rà soát năm 2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới từ đầu năm 2017 đến nay để có bức tranh tổng thể về tác động của Hiệp định CPTPP đối với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới pháp luật đảm bảo phù hợp với việc thực hiện CPTPP.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Thư