Tạo chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp

19/04/2018
Tạo chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp
Đây là mục tiêu chủ yếu của Hội nghị Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tư pháp diễn ra sáng nay -19/04 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng dự.
Báo cáo về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin Bộ, ngành Tư pháp, đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, đối chiếu với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; các mục tiêu, nhiệm vụ tại được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Tư pháp đã cơ bản hoàn thành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017. Các hạng mục công việc đã hoàn thành tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Một số lĩnh vực ứng dụng CNTT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, được cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị quan tâm hưởng ứng, tích cực triển khai, tạo ra những thay đổi cơ bản trong phương pháp làm việc và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới tiêu biểu như việc triển khai Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử toàn quốc.
Quyết liệt hơn trong việc sử dụng các phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
Đánh giá về các phần mềm ứng dụng, các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã và đang được triển khai tại Bộ, ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ khẳng định sự hiệu quả của các phần mềm ứng dụng, hệ thống cơ sở dữ liệu này trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị, của Bộ, ngành Tư pháp.
Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù các phần mềm ứng dụng hoạt động tương đối tốt, nhưng chưa phát huy được hết tác dụng là do cán bộ chưa có thói quen sử dụng phần mềm. Mặc dù vậy, trong quá trình sử dụng, cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, một số phần mềm cũng phát sinh hạn chế cần phải nâng cấp hoặc xây dựng mới.
Để việc sử dụng các phần mềm ứng dụng được hiệu quả hơn, đồng chí Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng Bộ kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt hơn việc sử dụng các phần mềm ứng dụng; đồng thời đề nghị Cục Công nghệ thông tin quan tâm hoàn thiện, triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; bên cạnh đó, bản thân các đơn vị cũng phải quyết liệt triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng.
Đối với việc sử dụng chữ ký số, đồng chí Đỗ Đức Hiển cho biết, có 7 đơn vị thí điểm áp dụng chữ ký số, qua theo dõi thì 100% văn bản tại 02 đơn vị là Văn phòng Bộ và Cục Công nghệ thông tin được ký số hoàn toàn. Còn 05 đơn vị mở rộng theo chủ trương, thì có đơn vị thực hiện rất tốt gần như 100% là Cục Kiểm tra văn bản QPPL. Các đơn vị còn lại việc thực hiện áp dụng chưa cao.

Theo đồng chí Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL thì vẫn tồn tại song song bản giấy và điện tử, “100% các công văn điện tử có ký số gửi cho các đơn vị nhưng lại vẫn có bản chữ ký tươi, làm sao chỉ có một bản thôi”. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến vấn đề bảo mật và sao lưu, vì theo đồng chí Ba, “đã ký số thì lưu luôn bằng điện tử, không cần lưu song song bản giấy”.
Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, đồng chí Đồng Ngọc Ba cho rằng, Cục Công nghệ thông tin đã làm rất tốt vai trò đầu mối, nhưng chất lượng của văn bản QPPL trên hệ thống lại phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm cập nhật văn bản của bộ, ngành địa phương. Theo đồng chí Đồng Ngọc Ba, Bộ Tư pháp cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để Cơ sở dữ liệu quốc gia thực sự hiệu quả vì nhiều hệ thống khác của Bộ phụ thuộc nguồn văn bản từ Cơ sở dữ liệu này.
Phải khai thác quả hiệu quả các phần mềm ứng dụng và các hệ thống, cơ sở dữ liệu đã có
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết có những phần mềm ứng dụng đã được xây dựng từ nhiều năm trước, với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cũng như nhiều quy chuẩn kỹ thuật mới được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thì cần phải nghiên cứu xây dựng mới hoặc nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là vấn đề xây dựng, mà quan trọng là việc khai thác. Theo Thứ trưởng, việc xây dựng mà không khai thác hoặc khai thác mà không hiệu quả sẽ dẫn đến lãng phí, tốn kém. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho rằng, nhiều lĩnh vực của Bộ, ngành có thể ứng dụng mạnh mẽ và “tiềm năng vô cùng lớn”như: tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; vấn đề trả lời, giao tiếp giữa Bộ, các đơn vị quản lý ở Trung ương với địa phương, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự bằng hình thức trực tuyến; lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp lý, báo cáo, thống kê cũng phải được ứng dụng công nghệ thông tin tối đa, nhưng Thứ trưởng lưu ý, “cần tránh làm hai việc song song, đã điện tử thì thôi giấy”. Thứ trưởng cũng đưa ra ý kiến có thể nghiên cứu trong tương lai việc Lãnh đạo Bộ tiếp người dân bằng hình thức trực tuyến, vì rất nhiều người dân ở xa xôi, khó khăn trong việc đi lại không để đến với Bộ.  
Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, phải khắc phục tình trạng thông tin về văn bản QPPL trên Cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, mà theo Thứ trưởng thì “Đây là một nguyên tắc minh bạch pháp luật của cam kết quốc tế cũng như là quy định pháp luật trong nước”. Thứ trưởng cho rằng, đây là công việc của pháp chế, do đó, trước tiên cần thực hiện đúng quy định Nghị định số 52/2015/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, đồng thời yêu cầu Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật có sự quan tâm. Thứ trưởng cũng kiến nghị Bộ trưởng đưa vấn đề này vào phiên họp gần nhất của Chính phủ để các Bộ có sự căn chỉnh và tổ chức thực hiện cho tốt.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo. Chỉ ra nhóm nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quản lý của Cục CNTT phục vụ cho Bộ, ngành và các nhóm việc cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu, những vấn đề phát sinh mới mà các đơn vị đề xuất thì đề nghị Cục Công nghệ thông tin lưu ý trên cơ sở nguồn lực đã có trong năm 2018, cũng như sẽ có trong năm 2019, để xác định thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ để đưa vào Kế hoạch thực hiện và gắn với việc sử dụng kinh phí;
Bộ trưởng đề nghị cần xác định rõ những phần mềm ứng dụng nào có rồi mà không sử dụng, phần mềm ứng dụng đã sử dụng rồi nhưng đến thời điểm hiện tại không còn đáp ứng và yêu cầu Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp cùng Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, kết luận, kết hợp với chấm điểm thi đua một cách nghiêm túc.
Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian qua, mặc dù nguồn lực có hạn, nhưng Lãnh đạo Bộ luôn ưu tiên việc ứng dụng CNTT trong Bộ, ngành. Do đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ “cần phải sốc lại” tinh thần, quan tâm và quyết liệt hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin.
An Như