Chiều nay – 06/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo Quý I năm 2018, Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì buổi họp. Tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết: Trong quý I năm 2018, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch. Bộ đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018; hoàn thành việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2017 gửi Bộ Nội vụ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh thuộc 07 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%. Trong công tác thi hành án dân sự (THADS), tính đến hết 28/02/2018 (05 tháng theo kỳ báo cáo), các cơ quan THADS đã thi hành xong 186.883 việc trong tổng số 409.447 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 45,64%; tăng 10.929 việc (0,74%) so với cùng kỳ năm 2017; với số tiền thi hành xong là hơn 9000 tỷ đồng…
|
|
Ông Hiển cũng thông tin cho các cơ quan báo chí một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp Quý II năm 2018. bao gồm: Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trọng tâm là Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Hoàn thiện đảm bảo tiến độ và chất lượng 05 văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 25 đề án, văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trong Quý II/2018. Tổ chức Hội nghị sơ kết công tác THADS 06 tháng đầu năm; trên cơ sở đó đề ra và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về THADS. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp và hoàn thành các công việc để thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, nhất là thực hiện mở rộng việc sử dụng chữ ký số; rà soát, hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ để xử lý công việc trên môi trường mạng…
|
|
Về một số vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó có tình hình kiểm tra, xử lý Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết: Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền Thông tư số 32/2016/TT-NHNN, tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi, thảo luận với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học; trên cơ sở đó có kết luận về tính hợp pháp của một số quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư này (Kết luận kiểm tra số 05/KL-KTrVB của Cục Kiểm tra VBQPPL).
|
|
Ngày 12/02/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, Thông tư số 02/2018/TT-NHNN chưa xử lý các nội dung theo kiến nghị tại Kết luận kiểm tra số 05/KL-KTrVB mà chỉ sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN, theo đó, kéo dài thời hạn chuyển đổi thêm 02 năm đối với các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32/2016/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 01/3/2017) sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản. Ngày 27/02/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Công văn số 1187/NHNN-PC gửi Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp, theo đó, tiếp tục giữ quan điểm cho rằng quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư là hợp pháp và không tiếp thu các kiến nghị tại Kết luận kiểm tra 05/KL-KTrVB.
|
|
Hiện nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đang đề xuất Lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo quy định.