Chiều nay – 23/01, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo Quý IV năm 2017, Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì họp báo. Tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển đã thông tin cho báo chí kết quả công tác của Quý IV cũng như cả năm 2017. Đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 như: Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019, trong đó trọng tâm là các dự án Luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng; Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL và coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương.
Năm 2017, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015...; Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, án tham nhũng; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động của Ngành nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch; Thực hiện phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế nhất là trong quản lý nhà nước về đầu tư và giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài; Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ông Hiển cho biết, riêng trong Quý IV năm 2017 và tháng 01/2018, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản như: Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới; Quyết định số 2410/QĐ-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL; Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự.
Theo Người phát ngôn Bộ Tư pháp thì Quy chế gồm 3 chương, 14 điều, quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự. Một trong những điểm mới cơ bản của Quy chế so với trước đây là ngoài Chánh Văn phòng Bộ được giao là Người phát ngôn thường xuyên của Bộ Tư pháp, Quy chế còn quy định việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị này trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Điều này là nhằm bảo đảm việc phát ngôn, cung cấp thông tin được kịp thời hơn, đồng thời phù hợp với quy định của Nghị định 09. Bên cạnh đó, Quy chế còn bổ sung một số quy định về quy trình tổ chức họp báo, về việc điểm tin, xử lý thông tin báo chí phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ…
Các Phóng viên tham dự họp báo đã chia sẻ thắc mắc, băn khoăn về một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp liên quan đến thi hành án dân sự, Bộ luật hình sự...Theo đó, nhiều câu hỏi về công tác tư pháp như những sai phạm xung quanh việc thi hành án liên quan đến tài sản của “bầu” Kiên; giải pháp chấn chỉnh để nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ THADS; đề xuất chuyển hành vi xử phạt an toàn giao thông sang Tòa án hay đề xuất của Bộ Xây dựng về việc cắt điện nước đối với các công trình vi phạm; số tiền chi trả bồi thường hàng chục tỷ đồng nhưng việc hoàn trả chỉ có hơn 120 triệu đồng…
Đối với vấn đề quản lý tiền ảo, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến đến tháng 8/2017 Bộ Tư pháp mới báo cáo Thủ tướng về rà soát đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế, nhận diện và đề xuất định hướng hoàn thiện với Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những nội dung liên quan đến pháp luật về tài sản, tác động của tiền ảo, tài sản ảo như phòng chống rửa tiền, buôn lậu ma túy, an ninh tiền tệ… Tiếp đến, dự kiến Bộ Tư pháp sẽ xây dựng hồ sơ đề nghị \xây dựng văn bản về quản lý tiền ảo, tiền điện tử và tháng 12/2018 sẽ trình Chính phủ xem xét. Sau khi văn bản được ban hành, đến năm 2020 Bộ Tư pháp sẽ rà soát đề nghị sửa đổi các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Ngân hàng Nhà nước trong tiếp cận vấn đề này và người dân cần lưu ý giao dịch tiền ảo rất ẩn danh…, tiền ảo là dạng kỹ thuật số nên tính rủi ro rất cao, giá trị của tiền ảo biến động liên tục nên nguy cơ đầu tư rủi ro lớn, tài sản này chưa được cơ quan quản lý nhà nước quản lý… Vì vậy, người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến vấn đề này cần hết sức thận trọng, cân nhắc” – ông Hải khuyến cáo.
Hoàng Vy Anh