Tham dự buổi Tọa đàm có Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/NĐ-CP, lãnh đạo Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí QGVN, đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phùng Đình Thực - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí QGVN nhấn mạnh mục đích của buổi Tọa đàm là nhằm trao đổi, lấy ý kiến của các đại diện để có những cải cách trong công tác pháp chế, nhằm đưa công tác pháp chế phù hợp với tình hình xã hội.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đại diện Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã có bài phát biểu về thực trạng công tác pháp chế tại đơn vị của mình, những khó khăn và những kiến nghị với cơ quan nhà được để công tác pháp chế được trú trọng hơn.
Đ/c Nguyễn Thanh Tịnh- Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế kiêm Chánh Văn phòng Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp cũng trình bày về những đặc điểm nổi bật trong công tác pháp chế của các doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ, đồng thời, cũng có nhận xét, đóng góp thiết thực để phát huy vai trò của tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp.
Các vấn đề chủ yếu mà các đại biểu nêu ra là doanh nghiệp có rất nhiều thuận lợi về mặt pháp lý khi doanh nghiệp có tổ chức pháp chế, nhưng trên thực tế công tác pháp chế còn ít được chú trọng do Lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác pháp chế, người làm công tác pháp chế chưa phát huy hết vai trò của mình, chưa đáp ứng được những kỹ năng của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật của nước ta quy định còn thiếu tính thống nhất, chưa đầy đủ, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý còn chưa được thường xuyên, cơ chế đãi ngộ với những cán bộ pháp chế còn chưa có quy định, dẫn đến việc không thu hút được những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu.
Từ những khó khăn trên, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị để giúp cho công tác pháp chế thực sự là một công tác được chú trọng trong doanh nghiệp.
Về đóng góp Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/NĐ-CP, các đại biểu phần lớn đều quan tâm đến việc có nên đổi tên gọi tổ chức pháp chế " thành 'tổ chức pháp luật" hay không. Bởi từ khi Nghị định 122 có hiệu lực thì cụm từ này đã trở nên phổ biến và được quy định trong nhiều văn bản của các bộ ngành. Nếu thay đổi cụm từ này sẽ dẫn đến nhiều văn bản phải thay đổi theo.
Các đại biểu cũng đề nghị nên mở rộng đối tượng áp dụng của Nghị định bởi theo quy định, từ ngày 01/7/2010, các doanh nghiệp nhà nước sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, do vậy, nên quy định tính bắt buộc có tổ chức pháp chế với các Tập đoàn, Tổng công ty. Còn các doanh nghiệp dân doanh cũng nên có quy định để các đối tượng này có định hướng trong công tác pháp chế, hòa nhập vào sân chơi chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến khác được đưa ra trao đổi giữa các đại biểu với nhau.
Bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã cảm ơn sự hợp tác của Tập đoàn Dầu khí QGVN trong việc tổ chức Tọa đàm và khẳng định, Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 122 sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới./.
Phạm Thị Lệ Hằng