Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005: Sớm tách biệt quyền chiếm hữu

31/08/2010
Trong 2 ngày 30 - 31/8, được sự phối hợp của Dự án Jica, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, với sự tham dự của GS Aikyo Morishima đến từ Nhật Bản cùng các chuyên gia dài hạn khác của Dự án.

Quyền chiếm hữu nên là vật quyền độc lập

Bà Hoàng Thị Thúy Hằng (Bộ Tư pháp) cho biết, theo quy định hiện hành, quyền chiếm hữu là một quyền năng của quyền sở hữu và cũng không có hệ thống bảo vệ tình trạng chiếm hữu phân biệt với hệ thống bảo vệ quyền sở hữu. Điều này dẫn tới sự không hợp lý nếu đánh đồng nghĩa vụ chứng minh của các bên tranh chấp khi tranh chấp xảy ra. Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLDS 2005 đã đưa vào quy định chế định quyền chiếm hữu tách biệt với quyền sở hữu.

GS Morishima nhận định, trong BLDS Việt Nam, chiếm hữu không được quy định là một quyền độc lập mà nó được quy định như là kết quả của quyền, ở đây là quyền sở hữu. Chẳng hạn, Điều 183, 184 BLDS Việt Nam quy định rằng có quyền chiếm hữu (nắm giữ), quản lý như là hậu quả của quyền chính là quyền sở hữu. Theo kinh nghiệm của Luật Dân sự Nhật Bản, “chiếm hữu” (bao gồm cả chiếm hữu đại diện) là điều kiện duy nhất, kể cả không có căn cứ pháp luật (không có quyền chính) để có thể khởi kiện đòi bên thứ 3 loại bỏ việc cản trở, phòng ngừa việc cản trở, thu hồi chiếm hữu và bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, Luật Dân sự Nhật Bản còn tạo ra các hậu quả pháp lý như quyền thu hoa lợi của người chiếm hữu, quyền yêu cầu bồi hoàn chi phí và quy định “quyền chiếm hữu” là vật quyền độc lập.

Vì vậy, GS Morishima rất tán thành việc xây dựng chế định về quyền chiếm hữu. Tuy nhiên, ông băn khoăn về dự thảo Luật: “Tại sao trong vật quyền (quyền chính) mà trước hết là quyền sở hữu, mặc dù có hiệu lực đối với người thứ 3, nhưng vẫn yêu cầu “chiếm hữu” là điều kiện và tạo ra hậu quả pháp lý là quyền yêu cầu đối với bên ngoài?” Từ đó, ông đề nghị, khi sửa đổi BLDS trong tương lai, nếu xem xét quy định về chiếm hữu thì cần làm rõ mục đích sử dụng khái niệm chiếm hữu như là kết quả của quyền hoặc chỉ là điều kiện để làm phát sinh quyền, hay định coi chiếm hữu là điều kiện để tạo ra một hậu quả pháp lý đặc biệt nào đó. Ví dụ, có dự định tạo ra “quyền chiếm hữu” độc lập có hậu quả là “kiện đòi chiếm hữu”; coi việc dịch chuyển quyền chiếm hữu là một trong các điều kiện để đưa đến hậu quả pháp lý là “thủ đắc ngay tình về động sản”.

Núi non, sông hồ… không thuộc đối tượng của Luật Dân sự

BLDS 2005 quy định 6 hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước, sở  hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Các nhà lập pháp Việt Nam hiện đã phải thừa nhận việc phân loại hình thức sở hữu căn cứ vào các loại hình tổ chức như sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… là chưa khoa học.

Bình luận vấn đề này, GS Morishima thẳng thắn cho rằng, 6 hình thức sở hữu của BLDS Việt Nam không thể hiện sự khác biệt về nội dung của quyền sở hữu. Riêng đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước, Điều 200 BLDS Việt Nam có nêu ra các tài sản là núi non, sông hồ, lãnh hải, thềm lục địa, vùng trời… giống như Điều 17 Hiến pháp Việt Nam. Tuy nhiên, GS Morishima nhấn mạnh, các vật này vốn dĩ không thuộc đối tượng của quyền cá nhân và cơ quan nhà nước cũng không có quyền định đoạt. Chúng không thuộc đối tượng của Luật Dân sự và cũng không phải là các tài sản quy định trong Luật Dân sự, không thuộc đối tượng của quyền sở hữu. Chúng cần được phân biệt với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước khác mà các cơ quan nhà nước có thể định đoạt thông qua các thủ tục hợp pháp thông thường như đối với động sản (ô tô), bất động sản (đất đai).

Cũng theo GS Morishima, cho dù là sở hữu nhà nước thì các điều khoản về các hình thức sở hữu trong BLDS Việt Nam đều quy định rằng cơ quan nhà nước cần phải quản lý và sử dụng tài sản nhà nước theo quy định pháp luật. “Việc quản lý và sử dụng ấy bao gồm cả việc định đoạt với tài sản cho nên sở hữu nhà nước càng không phải là quy định về quyền sở hữu có nội dung đặc biệt về quyền lợi”, GS Morishima khẳng định.

Cẩm Vân