Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC Bộ Tư pháp năm 2017

13/12/2017
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC Bộ Tư pháp năm 2017
Ngày 13/12, Thứ trưởng Lê Tiến Châu đã dự và chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2017, định hướng công tác năm 2018.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức chuyển biến rõ rệt
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái cho biết, năm 2017, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ đã có nhiều đổi mới từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch đến cách thức tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, chất lượng và hoàn thành mục tiêu đề ra. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngày càng bám sát trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ hơn với quy hoạch nhân lực của Bộ, Ngành và vị trí việc làm của đơn vị, chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế và định hướng đào tạo đội ngũ công chức, viên chức trẻ trở thành đội ngũ cán bộ chuyên gia của Bộ, Ngành trong tương lai thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong việc cung cấp nguồn nhân lực làm công tác pháp luật đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tính đến tháng 11/2017, về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và các chức danh tư pháp khác là 07 khóa đào tạo cho 3.875 học viên; về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ là 21 lớp cho 1.257 cán bộ trong nước và 01 lớp đi học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài cho 15 cán bộ; về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hệ thống thi hành án dân sự là 20 lớp cho 3.230 cán bộ; và 05 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ được hỗ trợ 01 phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.
Như vậy, so với những năm trước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức của Bộ đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện chuẩn hóa về tiêu chuẩn ngạch công chức, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phù hợp vị trí việc làm.  
Coi đào tạo bồi dưỡng là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Đồng tình với báo cáo đã nêu, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên cho biết, hiện nay Học viện thực hiện việc đào tạo 7 chức danh tư pháp, về cơ bản, Học viện Tư pháp đã hoàn thành chỉ tiêu, trong đó có một số lớp vượt chỉ tiêu đào tạo và đảm bảo tiến độ mở lớp. Năm 2017, Học viện đào tạo 7.000 học viên, trong đó có trên 3.000 học viên chuyển từ 2016 sang, còn lại là học viên mới. Về nhiệm vụ bồi dưỡng, Học viện đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng ngay từ đầu năm theo đúng dự kiến ban đầu. Do vậy, khi Học viện tổ chức triển khai thực hiện, quá trình bồi dưỡng thực tiễn cho thấy có những nội dung chưa thực sự sát với nhu cầu.
Để tiếp tục phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng, ông Kiên cho biết, Học viện tiếp tục chủ động phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị thuộc Bộ triển tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng ngay từ đầu năm. Theo ông, phải coi đào tạo bồi dưỡng là nhiệm vụ chính trị quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ, Ngành, đồng thời tránh được lãng phí ngân sách trong công tác này.
Xác định nhu cầu để tránh dàn trải trong công tác bồi dưỡng
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước khẳng định, khi có Kế hoạch, Cục Bồi thường nhà nước đều nghiêm túc cử người tham gia tích cực các lớp bồi dưỡng. Đánh giá về công tác bồi dưỡng, ông Bốn cho rằng, xuất phát đầu tiên của việc bồi dưỡng là xác định được nhu cầu. Việc phân loại cán bộ theo độ tuổi, theo cấp quản lý  để xác định được nhu cầu bồi dưỡng sẽ tránh được sự dàn trải trong công tác bồi dưỡng. Bên cạnh đó, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện tư pháp, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thực tiễn cho cán bộ trẻ tại địa phương để cọ sát thực tiễn và có thêm nhiều kinh nghiệm.
 

Một số đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất góp phần triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên sâu vừa hồng, vừa chuyên một cách toàn diện nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia trong tương lai cho Bộ, Ngành Tư pháp.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải sát thực tiễn, tránh tình trạng lý thuyết quá nhiều
Ghi nhận kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2017 đã có nhiều chuyển biến, hiệu quả tốt hơn, Thứ trưởng Lê Tiến Châu thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục như: việc triển khai một số lớp chưa đạt được kết quả theo yêu cầu; vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi, xin dừng mặc dù kế hoạch đã được ký… Lưu ý một số vấn đề công tác đào tạo, bồi dưỡng, Thứ trưởng cho rằng, cần phải làm tốt việc khảo sát nhu cầu đào tạo, trên cơ sở khảo sát để xác định nội dung trong việc xây dựng Kế hoạch, tránh tình trạng xin rút, xin lùi, xin dừng việc đào tạo, bồi dưỡng. Kế hoạch được xây dựng cũng phải hết sức chi tiết, cụ thể; việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cần phải linh hoạt tạo điều kiện để cán bộ điều phối công việc.
Đối với chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, Thứ trưởng yêu cầu cần phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng “hàn lâm – lý thuyết” mà thiếu đi “hơi thở cuộc sống”. Theo Thứ trưởng, cần tận dụng tốt đa kết quả sau quá trình bồi dưỡng, tuy nhiên, việc đánh giá sau thời gian cán bộ được bồi dưỡng về vẫn còn bỏ trống, chưa thực hiện được…
Hoàng Vy Anh