Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác làm việc với An Giang: An Giang làm tốt công tác kiểm tra văn bản pháp luật

18/08/2010
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác làm việc với An Giang: An Giang làm tốt công tác kiểm tra văn bản pháp luật
Sáng ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và đoàn công tác của Bộ đến làm việc, kiểm tra công tác tư pháp 8 tháng năm 2010 tại tỉnh An Giang.

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Chánh Huy, từ đầu năm đến nay, Sở đã kiểm tra 36 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do UBND tỉnh ban hành; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý 02 văn bản QPPL chưa phù hợp với quy định pháp luật; đề xuất xử lý Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế kiểm tra và hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Về việc thi hành án dân sự (THADS) trong án hình sự nhân dịp đặc xá 2/9 tới, Cục trưởng Cục THADS cho biết: Việc THADS trong các bản án được đặc xá chủ yếu là thu tiền. Tổng số vụ thi hành được là 48 vụ; còn những trường hợp ở địa phương khác hay tài sản nơi khác, Cục đã ủy thác địa phương nơi cư trú của đương sự. Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tích đã đạt được của Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh, Bộ trưởng nhắc nhở cán bộ, Chấp hành viên cố gắng hơn nữa để những tháng còn lại giải quyết tốt những việc đã nằm trong kế hoạch của năm.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh và các ban ngành Khối Nội chính tỉnh An Giang do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Chiếu dẫn đầu. Đánh giá cao vai trò tư pháp trong xã hội hiện nay, Chủ tịch Lâm Minh Chiếu cho biết, UBND tỉnh luôn quan tâm đến ngành tư pháp tỉnh nhà bằng những việc làm cụ thể thiết thực. Sau khi có Thông tư liên tịch 01 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội Vụ, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định chỉ đạo hai Sở Tư pháp và Nội vụ đánh giá lại nhân sự, chất lượng cán bộ ngành Tư pháp, kiện toàn lại biên chế ngành Tư pháp, nhất là tư pháp phường xã. Từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã hỗ trợ ngành Tư pháp 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho Tư pháp phường, xã...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng khẳng định mặc dù còn nhiều khó khăn do địa lý và nguồn nhân lực còn mỏng, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, 8 tháng qua Tư pháp An Giang đã triển khai cơ bản đồng bộ công tác ngành theo chỉ đạo mới của Đảng và Nhà nước; duy trì được phong trào mạnh tại khu vực ĐBSCL; chủ động triển khai các công tác tư pháp mới: bán tài sản công, chú trọng hoạt động bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị (công chứng, luật sư). Bộ trưởng đánh giá cao sự phối kết hợp của Đoàn Luật sư tỉnh An Giang với ngành Tư pháp và vui mừng nhận thấy An Giang đã kiện toàn được sự phối hợp này và tiếp tục giữ được thế mạnh để phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng.

Kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ trưởng cho rằng, công tác hành chính tư pháp, trong đó có việc triển khai xác nhận lý lịch tư pháp hiện có phần chậm, vì Chính phủ chưa ban hành Nghị định triển khai Luật này, nhưng UBND tỉnh phải chuẩn bị để khi có Nghị định ban hành, chúng ta làm tốt ngay công tác này. Trong lĩnh vực quốc tịch, hiện nay, một bộ phận dân cư trú trên địa bàn biên giới đã lâu. Vì thế, các ban ngành cần tham mưu phối hợp với UBND các cấp để xử lý tốt vấn đề này. Về công tác bổ trợ tư pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chính phủ chỉ đạo từ đây đến hết năm phải qui hoạch xong bản đồ Công chứng trên toàn quốc; đến năm 2020, phải bảo đảm mọi giao dịch của người dân được công chứng. An Giang được chọn làm thí điểm phát triển Đoàn Luật sư và nâng tỉ lệ Luật sư trên số dân. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 33 về việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đoàn Luật sư, vì thế cấp ủy chính quyền địa phương cần chú ý phát triển Đảng trong đội ngũ này. Về lĩnh vực đấu giá, NĐ 17 đã có hiệu lực, Tư pháp và ban ngành liên quan cần quan tâm việc bán đấu giá tài sản công sao cho minh bạch. Giám định tư pháp là một vấn đề hết sức quan trọng, nhưng chúng ta chưa hoàn thiện được hệ thống luật Giám định tư pháp, khiến nhiều vụ án bị bế tắc. Vì thế, các ban ngành địa phương nên phối hợp với Sở Tư pháp để tham mưu về Bộ, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật này.

Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ đánh giá cao vai trò của tư pháp xã nhưng thực tế chúng ta có 49% cán bộ tư pháp xã chưa qua đào tạo luật. Đây là một lực cản cho việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Bộ Tư pháp sẽ giải quyết vấn đề này cho khu vực ĐBSCL khi Trường Trung cấp Luật Hậu Giang đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Về công tác THADS, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tăng cường biên chế cho THADS An Giang, trong đó có việc cần bổ nhiệm hai Phó Cục trưởng Cục THADS, nhưng lại tắc ở khâu tuyển dụng ở địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Chiếu cảm ơn sự quan tâm của Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng đối với ngành Tư pháp, ngành THADS An Giang, hứa sẽ giải quyết vấn đề này trong tháng 9/2010.

Ngọc Long