Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác tổ chức thi hành pháp luật

29/04/2017
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác tổ chức thi hành pháp luật
Sáng 28/4/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp, công bố Quyết định thành lập Tổ soạn thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch và một số nội dung cơ bản, định hướng của dự thảo Đề án. Theo Chương trình công tác năm 2017 thì Đề án nêu trên dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành vào tháng 12/2017. Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định việc xây dựng Đề án nêu trên là một nhiệm vụ quan trọng, nhiều thách thức, khó khăn. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Tổ soạn thảo tập trung thảo luận kỹ về cách thức tiếp cận vấn đề, về phạm vi và đối tượng áp dụng, cũng như đề xuất các giải pháp mới, toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta trước những yêu cầu khách quan của thực tiễn.
Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” nhằm mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, gắn tổ chức thi hành pháp luật với kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Văn kiện Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013; qua đó đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường bảo vệ công lý, công bằng xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ soạn thảo đến từ Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Nội vụ, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia pháp luật đã tập trung “giải mã” nội hàm của khái niệm tổ chức thi hành pháp luật, thực trạng của công tác này, cũng như cách tiếp cận và các vấn đề trọng tâm mà Đề án cần giải quyết. Thực tiễn cho thấy, tổ chức thi hành pháp luật của nước ta hiện nay có rất nhiều vấn đề vướng mắc, cần được giải quyết thấu đáo, toàn diện, do vậy đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các chuyên gia trong, ngoài nước.
Kết thúc cuộc họp, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề nghị các thành viên Tổ soạn thảo và các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Tổ soạn thảo để xây dựng Đề án có chất lượng, bảo đảm tiến độ.
                               Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL