Tham gia đoàn kiểm tra còn có các chuyên viên pháp lý thuộc Cục Đăng ký và chuyên viên pháp lý của Sở Tư pháp tại địa phương được kiểm tra.
Trong các ngày từ 08/7/2010 đến ngày 15/7/2010 Đoàn kiểm tra đã có các buổi làm việc, trao đổi, thảo luận trực tiếp về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra; tiến hành kiểm tra hồ sơ, quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký tại các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường (đối với nơi chưa thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất).
Qua kiểm tra cho thấy công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực này đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:
Về công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Trong thời gian qua, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Hưng Yên, Sơn La và Hoà Bình đã được triển khai đồng bộ và dần đi vào nề nếp. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã được quan tâm, thực hiện tốt. Điển hình tại tỉnh Hưng Yên, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường trong đó giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Tại tỉnh Hoà Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tư pháp và các tổ chức có liên quan triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, tuyên truyền pháp luật, tập huấn về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu, tỉ lệ trích nộp phí, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Tại các địa phương được kiểm tra người dân cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã dành nhiều sự quan tâm tới hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm. Tính đến thời điểm kiểm tra, số lượng hồ sơ yêu cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các địa phương có xu hướng tăng lên đáng kể. Kết quả đăng ký đã góp phần đảm bảo an toàn, minh bạch cho các giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về tổ chức, hoạt động của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các Phòng Tài nguyên và Môi trường: Mặc dù số lượng cán bộ rất ít nhưng các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường tại nơi kiểm tra đã hết sức cố gắng trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn phù hợp giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện đăng ký.
Một số Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với nơi chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã thực hiện ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ địa chính xã thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo hướng dẫn của Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực tế cho thấy, việc uỷ quyền này đã góp phần tạo điều kiện thuận lơị cho người dân ở những xã, thị trấn xa huyện lỵ có thể thực hiện được việc đăng ký thế chấp.
Về quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, qua kiểm tra cho thấy về cơ bản từ khâu tiếp nhận hồ sơ, xem xét, giải quyết và lưu trữ hồ sơ đã được các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT, Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thế chấp, một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được kiểm tra đã tiến hành ghi nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và Sổ theo dõi biến động đất đai theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Hưng Yên, Sơn La và Hoà Bình vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ:
- Một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện niêm yết công khai các trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại trụ sở cơ quan; thực hiện định kỳ tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm vào một vài ngày trong tuần, do đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký.
- Hiện nay, một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu người yêu cầu đăng ký nộp thêm một số loại giấy tờ khác ngoài quy định của Thông tư liên tịch số 05 (Ví dụ như bản phô tô Giấy chứng nhận, bản sao Quyết định thành lập, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao Chứng minh nhân dân, các loại giấy tờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính…).
- Qua kiểm tra cho thấy trong một số trường hợp tại phần ghi của cán bộ tiếp nhận hồ sơ hoặc tại phần chứng nhận của cơ quan đăng ký còn chưa ghi rõ ràng thời điểm; một số trường hợp thời điểm nhận hồ sơ và thời điểm chứng nhận việc đăng ký còn chưa phù hợp với nhau. Ngoài ra, còn có một số hồ sơ đăng ký cho thấy các thông tin được kê khai trên đơn yêu cầu đăng ký (về các bên tham gia hợp đồng, tài sản bảo đảm, số ngày tháng của hợp đồng) chưa phù hợp với thông tin lưu trong Hợp đồng được ký kết giữa các bên.
- Đối với công tác lưu trữ và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cũng còn tồn tại một số bất cập: các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chỉnh lý thông tin về tài sản bảo đảm vào Sổ theo dõi biến động đất đai, do đó, đã không lập Sổ theo dõi biến động đất đai và thực hiện việc chỉnh lý theo đúng quy định của pháp luật hoặc việc cập nhật các thông tin này không thường xuyên và không đầy đủ.
- Một số Văn phòng còn thực hiện việc miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm chưa đúng quy định tại khoản 3 Mục I Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Như vậy, Bộ Tư pháp thông qua hoạt động kiểm tra đối với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã phát hiện những thiếu sót, vi phạm cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký, từ đó kịp thời đề xuất các kiến nghị, biện pháp khắc phục nhằm nhanh chóng tháo gỡ tình trạng nêu trên; đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực này nhằm điều chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, đưa công tác này dần đi vào nề nếp.
Thu Thủy - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm