Xác định các nhóm lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

10/03/2017
Xác định các nhóm lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Chiều qua 9/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì họp với các Bộ, ngành triển khai Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm liên ngành năm 2017.
Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Hồ Quang Huy cho biết, để triển khai Kế hoạch, Cục đã tham mưu với Lãnh đạo Bộ ký ban hành Công văn số gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2017, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc ban hành công văn hướng dẫn, bổ sung lĩnh vực này vào trong Kế hoạch, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị có liên quan để triển khai Kế hoạch. Tiếp đó, ngày 17/02/2017, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 468 gửi các Bộ, ngành có liên quan về việc xây dựng Hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó tập trung rà soát, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Tại các Bộ, ngành, hiện nay đã có 07 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Tại địa phương, có 39 địa phương đã ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, trong đó 24 địa phương  đã ban hành công văn/kế hoạch bổ sung trong lĩnh vực trọng tâm.

Các hoạt động triển khai kế hoạch dự kiến bao gồm nhóm các hoạt động về nghiệp vụ, nhóm hoạt động về truyền thông và nhóm các hoạt động bảo đảm thực hiện Kế hoạch. Theo đó, 04 nhóm lĩnh vực được chọn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm nông nghiệp, công nghiệp thương mại, công nghệ thông tin, xây dựng.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.Cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; Có ý kiến đối với các vấn đề về pháp lý liên quan đến vốn, đất đai, lao động, khoa học kỹ thuật trong 04 lĩnh vực trọng tâm liên ngành khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp. Cử chuyên gia đại diện Bộ, ngành tham gia Diễn đàn đối thoại giữa các Bộ ngành và doanh nghiệp về hoàn thiện thể chế, pháp lý về doanh nghiệp khởi nghiệp do Bộ Tư pháp tổ chức. Phối hợp, hỗ trợ  Bộ Tư pháp thực hiện hỗ trợ pháp lý đối với một số doanh nghiệp khởi nghiệp điển hình, trong đó có liên quan trực tiếp đến các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ, ngành mình khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp….

Các ý kiến của đại diện Bộ, ngành phát biểu tại cuộc xung quanh các vấn đề: triển khai thực hiện kế hoạch, vấn đề kinh phí, các lựa chọn trọng tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp…Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, làm rõ phạm vi và xác định các vấn đề ưu tiên trong hỗ trợ doanh nghiệp. Các Bộ, ngành liên quan cần có đầu mối để triển khai hiệu quả công việc. Thứ trưởng cũng lưu ý, việc ban hành các kế hoạch trong thời gian tiếp theo cần làm sớm vì còn liên quan đến vấn đề kinh phí của các Bộ, ngành.
D.Hưng