Phát huy vai trò của hương ước trong quản lý xã hội

10/02/2017
Phát huy vai trò của hương ước trong quản lý xã hội
Chiều 09/02, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo văn bản về hương ước, quy ước. Theo đó, đa số ý kiến nhận định hương ước, quy ước đã, đang góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật và tới đây cần tiếp tục phát huy vai trò của nó.
Đã phê duyệt gần 88% hương ước, quy ước
Sau khi công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, nhiều thế kỷ qua, hương ước, quy ước được coi là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong phạm vi thôn, làng Việt Nam. Đặc biệt, từ Nghị quyết số 05-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 10/6/1993 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, hương ước, quy ước được thừa nhận trở lại và trở thành một công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn… Triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 19/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.
Sau 17 năm thực hiện Chỉ thị 24, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tổng kết công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Qua tổng kết cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, các cộng đồng dân cư trên cả nước đã tích cực tổ chức công tác này. Tính đến tháng 6/2015, trong số 125.083 thôn, làng được rà soát, có 109.698 hương ước, quy ước đã được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 87,7%; 6.694 hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và 3.260 hương ước, quy ước đang xây dựng.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong những năm qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế vẫn còn tình trạng hương ước, quy ước có nội dung vi phạm pháp luật, còn quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách khô khan. Việc xây dựng, thực hiện hương ước nhiều nơi còn hình thức, mang tính phong trào… Vì vậy, để phát huy vai trò và yêu cầu duy trì hương ước, quy ước trong quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, cần thiết hoàn thiện thể chế về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
Cần gắn kết hương ước, quy ước với nhiều lĩnh vực khác
Đề nghị làm rõ bản chất của hương ước, quy ước, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý, nhiều năm nay chúng ta vẫn nói về hương ước, quy ước nhưng cần phải làm rõ hương ước, quy ước khác với nội quy, quy chế, quy định, khác với tập quán, thói quen, khác với pháp luật như thế nào thì từ đó mối quan hệ giữa chúng và xác định vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Thứ trưởng cũng yêu cầu nêu được sự cần thiết điều chỉnh bằng pháp luật đối với hương ước, quy ước để quy định cụ thể về xây dựng, thực hiện, mức độ điều chỉnh của hương ước, quy ước đến đâu trong từng thôn, bản.
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, cần quy định hương ước, quy ước chỉ điều chỉnh những nội dung mà pháp luật hiện hành chưa quy định và nhất là không ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đại diện đến từ Bộ Tài chính đề xuất, việc xây dựng hương ước, quy ước phải đi kèm với biện pháp đảm bảo thực hiện, bởi nếu có hành vi vi phạm thì xử lý ra sao, có chế tài hay không.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đề nghị rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về hương ước, quy ước, đánh giá sự cần thiết ban hành văn bản pháp lý cao hơn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng quy định về hương ước, quy ước một cách linh hoạt, mềm dẻo. Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tình phải “nâng tầm” pháp lý của văn bản quy định về hương ước, quy ước để đưa công tác xây dựng thực hiện hương ước, quy ước vào quỹ đạo chung, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật. Từ thực tiễn tham gia khảo sát, vị đại diện nhấn thấy sửa đổi, nâng cấp là rất cần thiết, độ thấm của công tác tuyên truyền không thể đo đếm, vai trò của hương ước, quy ước trong cuộc sống nhiều địa phương, nhất là những địa bàn đặc thù, là cực kỳ lớn vì nó gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân, “nếu tới đây, chúng ta gắn hương ước, quy ước với phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ biển thì giá trị của hương ước, quy ước sẽ ngày càng cao”.
Được biết, Dự thảo văn bản đang dự kiến khá nhiều nội dung mà các đại biểu góp ý. Theo đó, về nguyên tắc, hương ước, quy ước được xây dựng phải bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không hạn chế quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự tự nguyện, thống nhất, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng dân cư. Liên quan đến chế tài trong hương ước, quy ước, sẽ tiếp tục công nhân hương ước, quy ước có thể quy định các biện pháp chế tài nhằm giáo dục, thuyết phục, vận động và bảo đảm tôn trọng, thực hiện hương ước, quy ước; có thể cho phép đưa vào hương ước, quy ước các biện pháp xử lý, phạt tiền, phạt vật chất đối với hành vi mà chưa có quy định pháp luật nhưng không được vượt quá mức do HĐND cấp tỉnh quy định…
H.Thư