Công tác trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk được đánh giá cao

13/01/2017
Công tác trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk được đánh giá cao
Ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng Đoàn khảo sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do đồng chí Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk về công tác trợ giúp pháp lý (TGPL). Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát làm việc về nội dung thực trạng thực hiện pháp luật về Trợ giúp pháp lý của tỉnh Đắk Lắk.
Đại diện địa phương có ông Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh) cùng đại diện Trung  tâm TGPL tỉnh, Đại diện một số chi nhánh TGPL, đại diện Đoàn luật sư, các văn phòng luật sư có đăng ký TGPL, các sở ban ngành có liên quan đến tham dự.
Kết quả khởi sắc
Với định hướng khảo sát đúng và đầy đủ nhất về tình hình TGPL trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đoàn khảo sát đã trực tiếp xuống thăm và làm việc với Chi nhánh TGPL số 2 (thuộc xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin) và Trung tâm TGPL tỉnh Đắk Lắk.
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại Chi nhánh TGPL số 2, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao kết quả mà chi nhánh đạt được. Cụ thể, giai đoạn năm 2016 – 2017, chi nhánh TGPL số 2 đã thực hiện 1.362 vụ việc cho 1.362 lượt người. Tính riêng về hình thức tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý của chi nhánh đã thực hiện được 47 vụ việc. Một chi nhánh chỉ có một trợ giúp viên pháp lý mà đạt được kết quả như vậy là rất đáng hoan ngênh”.
Về kết quả thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL tỉnh, trong 2 năm 2015 và 2016, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện TGPL cho 5.138 vụ việc cho 5.138 lượt người. Trong đó, thực hiện tư vấn 4.651 vụ việc, tham gia tố tụng 478 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 09 vụ việc. Tỷ lệ việc tham gia tố tụng hàng năm đều có xu hướng tăng. Tính riêng giai đoạn 2015 – 2016, thì đã thụ lý và thực hiện 478 vụ việc, chiếm 50% trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng trong 10 năm hoạt động. Trong đó chủ yếu do người TGPL thực hiện (171 vụ).
Đắk Lắk được đánh giá là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi hơn với những tỉnh lân cận, mọi hoạt động trong công tác TGPL ổn định và đạt được kết quả khởi sắc hơn. Tuy nhiên, khó khăn chung và cũng là lớn nhất mà công tác TGPL trên địa bàn còn gặp phải đó là vấn đề nhân lực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm TGPL nêu rõ quan điểm: “Hiện nay, có thêm nhiều điều luật mới được đặt ra. Trong đó, có quy định người Trợ giúp viên pháp lý phải có bằng ngoại ngũ đạt chuẩn Quốc tế. Đây là một điều khá khó khăn, bởi công tác TGPL tiếp cận trực tiếp với dân, cần và quan trọng tiếng dân tộc của từng địa phương hơn”.
Tiếp tục phát huy nhiệt huyết
Sau khi nghe Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Đắk Lắk báo cáo về việc muốn giữ nguyên số lượng chi nhánh, không mở thêm hai chi nhánh theo kế hoạch tại 2 huyện Mđrắk và huyện Ea Súp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã đưa ra ý kiến cân nhắc cho Trung tâm TGPL: “Đó là hai huyện xa xôi nhất trên địa bàn, điều kiện kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đông đảo mà tại sao không thành lập thêm chi nhánh trong khi vấn đề kinh phí địa phương có thể khắc phục được? Mặt khác, đây cũng là nơi người dân có nhiều vấn đề cần đến pháp luật, minh chứng là có tới 80% vụ việc đã thụ lý chỉ được đưa ra khi có vấn đề phát sinh?”.
Trước khi kết thúc buổi làm việc, Đồng chí Trần Thị Dung mong muốn có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người làm công tác TGPL để nắm rõ hơn tâm tư, những khó khăn vướng mắc của anh em trong ngành từ đó có biện pháp đáp ứng, khắc phục kịp thời. Cuối cùng, bà cũng căn dặn những người làm công tác TGPL cố gắng ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục phát huy nhiệt huyết, cái tâm với nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó, đúng với chức năng đưa pháp luật đến cho dân.
Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về thực trạng thực hiện pháp luật về TGPL trên địa bàn.
Theo Báo cáo về kết quả cung cấp dịch vụ TGPL từ năm 2007-2015, các tổ chức TGPL đã giải quyết 18.044 vụ việc: Trong đó tổ chức đã đăng ký tham gia TGPL thực hiện 1.620 vụ việc; Trung tâm TGPL tỉnh thực hiện 16.424 vụ việc cho 16.424 lượt người, gồm 959 vụ việc tham gia tố tụng, 15.412 vụ việc tư vấn pháp luật, 12 vụ đại diện ngoài tố tụng, 4 vụ giải hòa và 37 vụ việc khác. Trong tổng số 16.424 lượt người được TGPL do Trung tâm TGPL thực hiện có 7.370 lượt người nghèo, 7.590 người dân tộc thiểu số, 673 người có công, 45 người già, 72 trẻ em, 71 người khuyết tật, số còn lại thuộc diện người được TGPL khác.
Về hệ thống TGPL đã được hình thành trên toàn tỉnh với 01 Trung tâm TGPL trực thuộc Sở Tư pháp và 3/5 Chi nhánh của Trung tâm ở liên huyện, 12/22 tổ chức tham gia TGPL. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 07 Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên TGPL là luật sư có 23 người, Cộng tác viên khác 131 người.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc hoan nghêng tinh thần làm việc của các thành viên trong bộ máy TGPL trên địa bàn tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong số 5 địa phương mà Đoàn công tác đến thăm và làm việc, tỉnh Đắk Lắk là địa phương đạt kết quả tốt nhất. Nhiều Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt, vượt xa chỉ tiêu của Bộ đề ra. Qua đó, rất mong những người làm công tác TGPL tỉnh tiếp tục phát huy những mặt ưu điểm đã đạt được, ngày càng nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của mình”.
Phát biểu trong buổi làm việc, nói về vấn đề thực hiện công tác TGPL nói chung và riêng việc có nên hay không nên thực hiện việc mở thêm chi nhánh tại các địa bàn xa xôi và đặc biệt khó khăn như huyện Mđrăk, huyện Ea Súp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Trao toàn quyền quyết định cho đồng chí chủ tịch UBND tỉnh thực hiện việc tổ chức bộ máy và nguồn kinh phí. Do đó, rất mong lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo các sở ban ngành cân nhắc và đưa ra phương án, dự án tối ưu nhất, nhằm mang quyền lợi hợp pháp về TGPL đến cho người dân”.
Cuối cùng, thay mặt cho Đoàn công tác, đồng chí Trần Thị Dung gửi lời cảm ơn lãnh đạo địa phương đã quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo dự án TGPL đạt được kết quả như trong báo cáo. Qua những ý kiến đề trong buổi làm việc, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp thu và cố gắng làm sao có được dự án luật tốt nhất, đạt mục tiêu mang tính dự án luật nhân văn.
Tố Uyên – Vũ Hiên