Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng Đoàn khảo sát của UBPL Quốc hội khảo sát việc thực hiện pháp luật về TGPL

13/01/2017
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng Đoàn khảo sát của UBPL Quốc hội khảo sát việc thực hiện pháp luật về TGPL
Sáng 11/1, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội do bà Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về việc trợ giúp pháp lý tại địa phương.
Đi cùng với Đoàn khảo sát còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Cục trưởng Cục trợ giúp Pháp lý Nguyễn Thị Minh cùng một số thành viên đại diện cho các Sở ban ngành có liên quan. Đại diện địa phương có ông Cao Huy Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Đình Tín, Phó trưởng đại diện Quốc hội tỉnh, ông Trần đình Vình, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cùng đại diện các Sở ban ngành, phóng viên báo đài thường trú trên địa bàn đến tham dự.
Theo báo cáo về việc thực hiện Pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông: Về việc đảm bảo quyền được TGPL, đối tượng được TGPL trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc hưởng thụ quyền tiếp cận công lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người nghèo, đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, trẻ em và phụ nữ. Về thực trạng hoạt động, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện TGPL tổng 436 vụ việc cho 436 người. Trong đó: Người nghèo: 110 lượt; người có công với cách mạng: 10 lượt người; người dân tộc thiểu số  311 lượt; trẻ em không nơi nương tựa 02 lượt người; lượt người khác 3 lượt người. Giới tính: 168 nữ và 268 nam.
Về nguồn lực TGPL cũng là mặt còn khó khăn của tỉnh Đắk Nông là nhân lực còn thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động TGPL; đội ngũ trợ giúp viên còn ít (05 trợ giúp viên). Chỉ có 4/7 tổ chức hành nghề luật sư có đăng ký trợ giúp pháp lý miễn phí tại Sở Tư pháp, nhưng lại không đăng ký làm cộng tác viên của Trung tâm TGPL. Không có Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Chưa có chế tài cho luật sư không tham gia trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, công tác TGPL còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động.
Tại phiên khảo sát, bà Trần Thị Dung nhận định Qua nghiên cứu báo cáo do UBND thực hiện, ông Đoàn công tác thấy được phần nào bức tranh về việc thực hiện pháp luật trong trợ giúp pháp lý của địa phương. Đồng thời, bà cũng đặt ra câu hỏi sát thực tế cho một số lãnh đạo trả lời công khai trong buổi làm việc.
Trả lời câu hỏi của bà Trần Thị Dung, ông Trần Đình Vinh cho biết: “Trước điều kiện không tăng biên chế và nguồn tài chính, chúng tôi sẽ tính toán lại cách làm việc, đi theo dây truyền, phân theo khu vực, mức độ nghiệm trọng của từng vụ việc để phân chia nhân lực hợp lý, giảm thiếu nhất có thể về kinh phí đi lại cũng như kinh phí hoạt động. Kết hợp các bộ có năng lực ở địa phương để xử lý từng sự việc sao cho đạt hiệu quả cao nhất”. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao buổi làm việc sáng ngày 11/1, đồng thời ông cũng tha thiết mong muốn lãnh đạo địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác Tư pháp và TGPL. Ngoài ra, ông cũng có đôi lời dặn dò Sở Tư pháp tỉnh: “Sở Tư pháp phải có sự chủ động và quyết liệt hơn nữa trong công tác tham mưu để thưc hiện tốt công tác này. Đồng thời, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Mặt khác, Trung tâm TGPL phải thực sự hoạt động có hiệu quả để thể hiện được vai trò của mình, như vậy mới có thể tạo được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo”.
Đắk Nông là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, với 35% dân số là người dân tộc. Trợ giúp pháp lý là một chính sách thật sự hợp lòng dân.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc mong muốn Lãnh đạo tỉnh quan tâm đến công tác tư pháp nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng, hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực con người và tài chính để người dân thực sự được thụ hưởng chính sách.
Kết thúc hội nghị, ông Cao Huy khẳng định: “TGPL là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực đối với nhân dân, đặc biệt là đối với một tỉnh còn khó khăn như Đắk Nông. Đối với từng vùng, từng địa phương có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên rất mong ban lãnh đạo cấp trên đưa ra những hướng dẫn khác nhau cho phù hợp”.  
Các thành viên của Đoàn công tác và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng mong muốn Quốc hội ban hành Luật TGPL phù hợp với thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý hiện nay, đặc biệt là bảo đảm tính khả thi.
 
Tố Uyên – Vũ Hiên