Hôm nay 29/11/2016, tại Rome, thủ đô Cộng hòa Italia, trong Phiên họp Hội đồng toàn thể các quốc gia thành viên Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (International Development Law Organization –IDLO), Bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp, được sự ủy quyền của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nộp hồ sơ Văn kiện gia nhập IDLO cho Bộ Ngoại giao Cộng hòa Italia để lưu chiểu.
Tiếp đó, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch IDLO, ngài Nawaf Al-Mahamel và Tổng Giám đốc IDLO, Bà Irena Khan cùng toàn thể đại diện các nước thành viên, Bà Đặng Hoàng Oanh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định thành lập Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển, đánh dấu việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức này kể từ ngày hôm nay, 29/11/2016. Việc Việt Nam gia nhập IDLO đánh dấu tiếp một bước phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập pháp lý đa phương nói riêng của Việt Nam.
Phát biểu nhân dịp Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay, Bà Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập pháp luật và tư pháp nói riêng của Việt Nam. Sự kiện này cũng thể hiện sự đánh giá cao và những tình cảm nồng hậu mà Ủy ban Điều hành và các quốc gia thành viên IDLO đã dành cho Việt Nam, cũng như những đóng góp của Việt Nam vào xu thế hợp tác vì hoà bình và phát triển trên thế giới. Bà Đặng Hoàng Oanh đã thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a đã giới thiệu Việt Nam, các nước thành viên IDLO đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức này, đặc biệt cảm ơn Bộ Ngoại giao I-ta-li-a, Ủy ban điều hành, Chủ tịch và Tổng Giám đốc IDLO đã tích cực hỗ trợ Việt Nam sớm hoàn thành các thủ tục xin gia nhập IDLO.
Trong bài phát biểu của mình, trưởng Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh việc trở thành thành viên chính thức của IDLO là một bước tiến quan trọng để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030, trong đó có mục tiêu thứ 16 về xây dựng một nền hòa bình, bảo vệ công lý và xây dựng thể chế vững mạnh.
Việc trở thành thành viên của IDLO sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các nước thành viên của IDLO cũng như các nước mà IDLO đang có hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, có cơ hội hoàn thiện thể chế, pháp luật của quốc gia nhằm phát triển đất nước. Trưởng đoàn Việt Nam cũng đề nghị các nước thành viên và Ủy ban Điều hành IDLO tiếp tục nhiệt tình ủng hộ Việt Nam, mở rộng hợp tác, dành cho Việt Nam sự trợ giúp kỹ thuật cần thiết để thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ thành viên của Tổ chức, đặc biệt là trong việc hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý của Việt Nam có trình độ và kinh nghiệm quốc tế; cung cấp kinh nghiệm về các chủ đề là thế mạnh của IDLO như pháp quyền, tiếp cận công lý, hòa bình, về quyền của phụ nữ và trẻ em, về phát triển cộng đồng, phát triển bền vững và các cơ hội phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho các cán bộ Việt Nam làm việc tại IDLO và tham gia vào các chương trình hoạt động do IDLO tiến hành.
Tại Lễ gia nhập, Việt Nam cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết của một thành viên, đồng thời sẽ tích cực đóng góp vào các công việc chung của IDLO, bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng với nỗ lực của đất nước Việt Nam và sự hỗ trợ, hợp tác nhiệt tình của các thành viên IDLO, Việt Nam nhất định sẽ là một thành viên tin cậy và có trách nhiệm của Tổ chức này, sẽ góp phần xứng đáng vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy pháp quyền và phát triển, bảo đảm tiếp cận công lý và các cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.
Trong bài Diễn văn khai mạc Hội nghị thường niên của IDLO cũng như tại Diễn đàn đối tác, ông Chủ tịch IDLO đã thay mặt các nước thành viên bày tỏ vui mừng về sự có mặt của Việt Nam với tư cách là một thành viên mới, năng động, tích cực và đầy trách nhiệm của Tổ chức này. Các nước thành viên đều nhấn mạnh việc Việt Nam gia nhập IDLO không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam mà còn là dấu ấn quan trọng đối với IDLO, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng và vai trò của thiết chế pháp luật quốc tế này đối với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
IDLO là tổ chức liên chính phủ khá mới so với các tổ chức pháp lý liên chính phủ khác nhưng đã thu hút được số lượng lớn sự tham gia của các quốc gia và tổ chức quốc tế ở khắp các khu vực trên thế giới, có mục đích hoạt động là pháp quyền và phát triển (hiện IDLO hiện đang có hoạt động hợp tác với gần 100 quốc gia bao gồm cả các nước chưa phải là thành viên của tổ chức). Các hoạt động của IDLO tập trung vào việc xây dựng, thiết kế, áp dụng nguyên tắc quản trị tốt, pháp quyền tại các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế chuyển đổi; hỗ trợ các nước này nâng cao năng lực đàm phán trong lĩnh vực hợp tác pháp luật, đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, các giao dịch kinh doanh quốc tế khác; thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc hoàn thiện, duy trì hệ thống pháp luật và tư pháp của các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế chuyển đổi.
Những năm gần đây, nhận thức rõ xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá đang phát triển mạnh mẽ, cùng với việc triển khai chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc, các định chế tài chính, Liên minh Châu Âu, ASEAN…, Việt Nam đã và đang xúc tiến việc nghiên cứu tham gia một số thiết chế, điều ước quốc tế pháp lý đa phương. Năm 2013, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế. Và 3 năm sau, tháng 11/ 2016 này, Việt Nam tiếp tục gia nhập IDLO - tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực luật Phát triển – là một bước tiến quan trọng để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Việc Việt Nam gia nhập IDLO thể hiện đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế theo quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013, các văn bản của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, trong đó có Nghị quyết số 22-NQ/TW về Hội nhập quốc tế, Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổng thể chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới....
Việc gia nhập IDLO cũng thể hiện cam kết của Chính phủ ta trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG vừa được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015, đặc biệt là Mục tiêu thứ 16 về xây dựng xã hội hòa bình, khuyến khích các xã hội "hài hòa và hiệu quả cho phát triển bền vững, tạo ra cơ hội về công bằng và công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp độ". Bên cạnh đó, trở thành thành viên của IDLO, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với các nước thành viên của IDLO cũng như các nước mà IDLO đang có hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trên các diễn đàn quốc tế cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Trở thành thành viên của IDLO, Việt Nam sẽ được tham gia điều hành, thảo luận và quyết định chiến lược, chương trình, kế hoạch hoạt động lâu dài và hàng năm của IDLO phù hợp với các lợi ích của Việt Nam. Cũng ngay tại kỳ họp năm 2016 này của Hội nghị toàn thể các quốc gia thành viên, Việt Nam đã chính thức tham gia định hướng cho ưu tiên phát triển của IDLO thông qua việc cùng các quốc gia thành viên thảo luận và thông qua Kế hoạch Chiến lược của Tổ chức này giai đoạn 2017-2020, trong đó có các cơ hội cho Việt Nam khai thác, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ của IDLO dành cho các quốc gia thành viên mới gia nhập. Bên cạnh đó, việc gia nhập IDLO góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp lý, hỗ trợ đắc lực quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Việc Việt Nam tiếp tục trở thành thành viên của tổ chức đa phương về pháp luật đặt ra nhiều cơ hội và không ít thách thức. Một tổ chức quốc tế ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở pháp lý là Hiệp định thành lập IDLO, các quy chế hoạt động của tổ chức, các định hướng chiến lược phát triển gắn với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam và các nước thành viên khác phát triển kinh tế-xã hội cũng như hội nhập khu vực và quốc tế, gia tăng vị thế quốc tế của ta trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. Song, việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của thiết chế đa phương này cũng đòi hỏi Việt Nam phải nghiêm túc hơn và chuyên nghiệp hơn trong việc tham gia đàm phán và triển khai các quyết định, chương trình, hoạt động của IDLO, quan tâm hơn đến các mục tiêu chung của Tổ chức nhằm bảo đảm sự gắn kết và lồng ghép hài hòa giữa các ưu tiên phát triển của quốc gia và khu vực cũng như toàn cầu, điều chỉnh tổ chức bộ máy trong nước cũng như đầu tư nguồn lực và nhân lực thích đáng hơn để tham gia hợp tác về pháp luật và tư pháp một cách chủ động và hiệu quả. Việt Nam với tư cách là thành viên của IDLO sẽ làm hết sức mình để đưa tinh thần và nội dung của Hiệp định thành lập IDLO, các công cụ pháp lý của thiết chế này vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên và Tổ chức nói chung, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.
Trong các nước khu vực Châu Á, Trung Quốc đã gia nhập IDLO từ cách đây gần 3 chục năm (năm 1989). Ngay từ khi gia nhập, Trung Quốc đã rất tích cực tham gia các hoạt động của IDLO cũng như khai thác được nhiều lợi thế của tổ chức này. IDLO đã có văn phòng đại diện tại Bắc Kinh, Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, các Bộ, ngành của Trung Quốc. Điển hình năm 2014, IDLO đã cử đặc phái viên của mình đến hỗ trợ cho Trung Quốc và tham gia hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng Luật Thương mại, Luật Đầu tư nước ngoài và nhiều đạo luật cũng như chương trình phát triển quan trọng khác. Trong khu vực ASEAN, Philippin, Indonexia và Myanma cũng là những quốc gia tham gia tích cực vào hoạt động của IDLO. Phillippin có thành viên trong Ủy ban kiểm toán và tài chính của tổ chức này. Phillippin cũng là quốc gia tham gia tích cực vào các quyết sách về ưu tiên hoạt động của tổ chức, phối hợp với IDLO tổ chức nhiều chương trình ở cấp khu vực cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của IDLO cho các cơ quan tư pháp ở Philippin. Kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực cho thấy trở thành thành viên của IDLO, cùng với sự chủ động của các cơ quan của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có rất nhiều cơ hội để khai thác những lợi thế của tổ chức, phục vụ hội nhập tốt hơn trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp quốc tế; khai thác và tận dụng thế mạnh của IDLO trong lĩnh vực pháp luật quốc tế; trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm hỗ trợ của IDLO trong công tác xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật của Việt Nam. Với việc Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc gia nhập IDLO sẽ thúc đẩy sự hợp tác và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của tổ chức này nhằm hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư, kinh doanh; đồng thời, xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp lý có khả năng tham gia xử lý các quan hệ đầu tư, thương mại quốc tế, bao gồm giải quyết các tranh chấp thương mại, đầu tư đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới…
Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp đưa tin từ Rome, Cộng hòa Italia
Tin bài có liên quan:
Thông cáo Báo chí của Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (International Development Law Organization –IDLO) về việc gia nhập của Việt Nam. VIETNAM JOINS IDLO AS NEWEST MEMBER ("Việt Nam trở thành thành viên mới nhất của IDLO").
Hội nghị La Hay- cái nôi của nền tư pháp quốc tế: Việt Nam được chính thức công nhận là quốc gia thành viên từ ngày 10/4/2013.