Khai mạc Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người”

29/06/2010
Khai mạc Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người”
Như tin đã đưa, theo đúng kế hoạch dự kiến, Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người” đã được khai mạc vào lúc 13h30 ngày 28/6/2010 tại thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Với mục đích lấy ý kiến góp ý, bình luận của một số chuyên gia, cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng, chống buôn bán người và một số lĩnh vực có liên quan về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, Hội thảo đã có sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo của một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội (đ/c Đặng Đình Luyến - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Đ/c Nguyễn Hoàng Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (đ/c Vũ Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ 1A) và một số cơ quan chức năng địa phương (đ/c Trịnh Quang Chinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai; đ/c Bùi Văn Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai; đ/c Vũ Duy Cần - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái); các đồng chí là cán bộ của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Biên phòng, Hội Liên hiệp phụ nữ của 02 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Việt - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp - Thành viên Ban soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người và bà Nguyễn Thanh Trúc - đại diện của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, tổ chức đã tài trợ kinh phí cho Hội thảo này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Công Hồng - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp khẳng định việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người đang được triển khai đúng tiến độ. Công việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo đang được cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương tiến hành để kịp trình Chính phủ trong tháng 7 tới. Song song với việc tập hợp, nghiên cứu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức, công dân để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Hội thảo lần này là cơ hội tốt để Tổ biên tập được nghe các ý kiến góp ý một cách trực tiếp từ các cán bộ làm công tác nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người đối với từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Theo chương trình đã được Ban Tổ chức chuẩn bị, trong 1,5 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, góp ý về một số nội dung chính của dự thảo Luật bao gồm: các vấn đề chung, các biện pháp phòng ngừa mua bán người; các biện pháp phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người; xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.

   

Ở góc độ nhà tài trợ, bà Nguyễn Thanh Trúc khẳng định UNICEF Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. Dự thảo 7 được gửi lấy ý kiến rộng rãi lần này đã có nhiều điểm cải thiện hơn so với các dự thảo trước kể cả về nội dung và bố cục. Với tư cách là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, UNICEF khuyến nghị trong dự thảo Luật cần có các quy định thể hiện chính sách đặc thù của Nhà nước Việt Nam đối với các nạn nhân bị mua bán là trẻ em (người dưới 18 tuổi) trên cơ sở nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”, làm tiền đề cho công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là trẻ em trên thực tế.

Xuất phát từ mối quan tâm chung về việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt, có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh toàn diện về vấn đề phòng, chống mua bán người của Việt Nam, ngay trong phiên thảo luận đầu tiên đã có 16 nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu về Chương I - Những vấn đề chung của dự thảo Luật. Việc sử dụng thuật ngữ “buôn bán người” hay “mua bán người” và cách giải thích về hai thuật ngữ này vốn đã được đề cập trong nhiều hội thảo, tọa đàm trước đây, nay tiếp tục là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm bình luận và đưa ra nhiều ý kiến phân tích, luận giải liên quan đến việc bảo đảm tính phù hợp giữa quy định của dự thảo Luật với chuẩn mực quốc tế về khái niệm “buôn bán người” (quy định tại Điều 3 Nghị định thư bổ sung cho Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ trẻ em), đồng thời phải bảo đảm sự tương thích với quy định pháp luật trong nước và thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này ở Việt Nam.

Cách giải thích về “nạn nhân” tại khoản 2, điều 2 dự thảo Luật cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Theo ý kiến của đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì nếu đưa ra khái niệm “nạn nhân là người được xác định bị mua bán trong các vụ án mua bán người” là không phù hợp và bó hẹp phạm vi, không bao phủ hết các nạn nhân bị buôn bán vì chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mới có thẩm quyền xác định vụ án mua bán người. Quá trình xác định cũng mất nhiều thời gian từ một vài tháng đến một vài năm và cần rất nhiều yếu tố liên quan về phía người tổ chức mua bán và người bị mua bán. Đôi khi các yếu tố xác định người tổ chức mua bán, vụ án mua bán là không thể xác định được, gây khó khăn cho công tác hỗ trợ nạn nhân, thậm chí nạn nhân sẽ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết theo chủ trương của Nhà nước. Do đó, đề nghị nên mở rộng phạm vi nạn nhân bị buôn bán không chỉ là những người đã được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người bị hại trong vụ án mua bán người mà cả những người được giải cứu, thoát khỏi bọn buôn bán người nhưng vụ án mua bán người chưa được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời bổ sung thêm các tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán để có căn cứ cụ thể xác định nạn nhân bị mua bán cho phù hợp và kịp thời.

Liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của bạn nhân, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm “quyền được yêu cầu bồi thường”. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận kỹ về quyền “được xem xét để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính đối với một số hành vi vi phạm cụ thể do mình thực hiện trong quá trình bị mua bán” (quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật). Để bảo đảm tính công bằng của pháp luật, phần lớn các ý kiến đề nghị chỉ nên xem xét miễn trách nhiệm hành chính cho nạn nhân đối với các hành vi vi phạm là hậu quả của việc họ bị mua bán, còn không nên đặt ra vấn đề miễn trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm do nạn nhân thực hiện trong quá trình bị mua bán. Việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của nạn nhân chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự.

Về các hành vi bị cấm, đại diện Vụ 1A - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị bổ sung thêm hành vi lợi dụng việc cho - nhận con nuôi và kết hôn với người nước ngoài để trục lợi.

Về các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, đại diện của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc mang tính tuyên ngôn, thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý triệt để, nghiêm minh các hành vi mua bán người. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về cách diễn đạt nguyên tắc tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Luật cho ngắn gọn, xúc tích hơn.

Trong ngày 29/6, các đại biểu sẽ thảo luận nhóm về các vấn đề còn lại của dự thảo Luật./.

Nguyễn Hải Anh, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội:

“Bản chất của tội phạm buôn bán/mua bán người là tội phạm chống lại loài người, tước đoạt sự tự do của con người để bóc lột. Tuy nhiên, dự thảo quy định mục đích “để đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác” làm căn cứ xác định mua bán người sẽ dẫn đến khó khăn cho việc phân biệt giữa hành vi mua bán người với các hành vi vi phạm pháp luật khác về lao động việc làm, hôn nhân gia đình, đưa người qua biên giới, mại dâm... Ví dụ, một người thực hiện hoạt động giới thiệu việc làm/môi giới lao động có thể lừa dối khách hàng/người đang tìm việc làm về 1 việc làm tốt (có thu nhập cao) để nhận tiền môi giới, nhưng thực tế công việc không tốt như giới thiệu song người lao động cũng không bị buộc phải làm công việc đó. Trường hợp này có thể coi là mua bán người không?”


Nguyễn Hải Anh