“Đo” sự hài lòng của người dân trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

07/09/2016
“Đo” sự hài lòng của người dân trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật
Ngày 6/9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Một trong ba điều kiện để công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chính là kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã phải đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên. Đây là dự kiến sửa đổi đáng chú ý trong quá trình xây dựng Dự thảo Quyết định thay thế.
Báo cáo Hội đồng thẩm định Dự thảo Quyết định thay thế, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Quyết định 09 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật (TCPL) đã bộc lộ vướng mắc; cơ chế đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã rất phức tạp; chưa huy động, bảo đảm sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội; việc đánh giá có nơi, có lúc còn hình thức…
Vì vậy, Dự thảo Quyết định thay thế quy định việc đánh giá, công nhận, xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL chỉ áp dụng đối với cấp xã để bảo đảm khả thi, thực chất hơn. Theo đó, chỉ còn 5 tiêu chí đánh giá gồm 25 chỉ tiêu với tổng số 100 điểm, so với Quyết định 09 thì có tới 8 tiêu chí gồm 41 chỉ tiêu với tổng số 1.000 điểm. Các tiêu chí này là: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (4 chỉ tiêu, 15 điểm); Thực hiện thủ tục hành chính (5 chỉ tiêu, 30 điểm); Phổ biến, giáo dục pháp luật (8 chỉ tiêu, 25 điểm); Hòa giải ở cơ sở (3 chỉ tiêu, 10 điểm); Thực hiện dân chủ ở cơ sở (5 chỉ tiêu, 20 điểm).
Kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL sẽ được cấp xã niêm yết công khai và được cấp huyện, cấp tỉnh công bố trên Cổng/Trang tin điện tử của địa phương. Đây còn là một tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn mình; đánh giá chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm.
Đặc biệt, do được xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL nên các điều kiện để công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL đã được Dự thảo Quyết định thay thế quy định cụ thể. Đối với các tiêu chí, chỉ tiêu mà cấp xã tự chấm điểm thì không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa và tổng số điểm của các tiêu chí TCPL phải đạt theo 3 mức tương đương với từng loại đơn vị cấp xã. Một điều kiện mới nổi bật là chỉ tiêu đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã. Ngoài ra, một điều kiện khác là không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên vì vi phạm trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại từ hành vi công vụ trái pháp luật.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản tán thành những nội dung của Dự thảo Quyết định thay thế nhưng cho rằng vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện thêm. Bà Tống Thị Hậu (Bộ Tài chính) băn khoăn, một trong những điều kiện nêu trên là không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên, vậy nếu có người bị kỷ luật vì sinh con thứ 3 mà cả xã không được công nhận đạt chuẩn TCPL thì sẽ rất thiệt thòi cho sự cố gắng của xã ấy. Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Anh Đức nhận định, chỉ tiêu ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật đối với cấp xã là khó khả thi bởi quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Bà Đặng Thị Kim Ngân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng chỉ tiêu đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính được coi trọng là điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL song lại chỉ chiếm tối đa 15 điểm thì còn ít trong tổng số 100 điểm…
Tiếp thu, giải trình các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân chia sẻ: Mặc dù mới triển khai thực hiện Quyết định 09 nhưng việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn TCPL đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế XHCN tại 5 địa phương thí điểm…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhất trí với thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Quyết định thay thế, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng dễ hình thức khi tiến hành đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL ở cả 3 cấp chính quyền. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định, nhất là góp ý về các chỉ tiêu liên quan đến thủ tục hành chính, đồng thời nên có điểm thưởng cho những xã làm tốt như một động lực thúc đẩy địa phương phấn đấu tạo điều kiện cho người dân TCPL dễ dàng hơn.
                                                                                      Hoàng Thư