Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng

16/08/2016
Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng
Để phục vụ công tác nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý đô thị ở Việt Nam, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm xây dựng, quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15-17/8/2016. Trưởng đoàn công tác là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Trưởng đoàn là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, cùng đại diện Lãnh đạo đơn vị chức năng của các Bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư , Bộ Xây dựng; Lãnh đạo một số Sở, ngành của thành phố Hà Nội: Sở Tư pháp, Sở Quy hoạch – Kiến Trúc, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Sáng ngày 15/8/2016, tại thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cùng đại diện Lãnh đạo một số Sở, ngành thành phố Đà Nẵng cùng tham gia buổi làm việc với đoàn công tác.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định, sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra với tốc độ nhanh, hình thành hệ thống đô thị khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì đô thị hóa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết như vấn đề về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng; giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đất đai, môi trường; quản lý dân cư; tổ chức chính quyền… Ngoài hệ thống pháp luật áp dụng chung và một số chính sách đặc thù hiện đang áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thì còn thiếu những giải pháp mang tính tổng thể lâu dài để giải quyết những vấn đề này.
Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng, quản lý đô thị ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết. Hiện tại, thành phố Đà Nẵng đang kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung, đề xuất cơ chế đặc thù “mới” cho phù hợp. Năm nay cũng là năm Hà Nội báo cáo Chính phủ, Quốc hội 03 năm thi hành Luật Thủ đô (2012), qua đó nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành Luật; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp.
Trên tinh thần đó, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thảo luận đi sâu vào những vấn đề hiện đang thực sự còn gây khó khăn, bức xúc trong xây dựng, quản lý đô thị; sự phù hợp của pháp luật hiện hành (áp dụng chung) trong các lĩnh vực nêu trên đối với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mối quan hệ giữa cơ chế, chính sách đặc thù (hiện đang áp dụng đối với địa phương) với các quy định liên quan của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận nhiều giải pháp, sáng kiến mới, cách làm hay hiện đang được áp dụng hiệu quả tại địa phương. Đây cũng là cơ sở, kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn giúp cho việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khoa học pháp lý và chính sách pháp luật về quản lý đô thị ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hồng Hạnh