Thực hiện Quyết định số 1695/QĐ-BTP ngày 09 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ngày 12/08/2016 Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định Dự án Luật Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Tham dự cuộc họp có thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các bộ, ngành như: Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban tư pháp, Tòa án nhân dân tối cáo, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp...
Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Dự thảo Tờ trình và những nội dung cơ bản của Dự án Luật, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị thành viên hội đồng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, trong một thời gian ngắn đã tích cực nghiên cứu, đánh giá, tổng kết làm cơ sở xây dựng Dự án Luật này. Đồng thời, Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được tinh thần đổi mới trong việc tiếp cận và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và nhằm nâng cao hiệu quả kê khai, kiểm soát tài sản như quản lý bản kê khai và việc sử dụng, khai thác dữ liệu bản kê khai nhằm phát hiện tham nhũng… Một số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng Dự thảo Luật cần quy định rõ về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước; Về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; Về vai trò của cơ quan Đảng trong phòng, chống tham nhũng…để dự án Luật khi được ban hành sẽ từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn…
|
|
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng Dự thảo Luật đã quán triệt và thể hiện được tinh thần chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án luật khó, phức tạp, cần phải cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản… Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Để bảo đảm chất lượng của Dự án Luật trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý Dự án Luật cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng./.
Nguyễn Văn Quân- Vụ PLHSHC