Chỉ có đi sâu vào đời sống người dân, nghe dân nói, thấy dân làm mới hiểu được người dân

08/08/2016
Chỉ có đi sâu vào đời sống người dân, nghe dân nói, thấy dân làm mới hiểu được người dân
Những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi thật may mắn khi có dịp tháp tùng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng Đoàn công tác của Bộ về tận huyện An Minh, An Biên, Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân sau khi Bộ trưởng đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Kiên Giang. Bộ trưởng cũng dành thời gian tham dự Đại hội Hội Công chứng viên lần thứ nhất tỉnh Kiên Giang, đồng thời đến thăm và làm việc với các Lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở Tư pháp và Cục THADS hai tỉnh Sóc Trăng và Vĩnh Long để nắm rõ về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là công tác tư pháp và THADS của địa phương.
Sinh ra trong một gia đình có nguồn gốc nông dân ở một tỉnh ven biển miền Trung, hơn ai hết Bộ trưởng Lê Thành Long luôn có sự am hiểu, sẻ chia và đồng cảm sâu sắc với những khó khăn, vất vả của người nông dân. Cũng chính vì thế mà tại những lần tiếp xúc cử tri trước đây, Chương trình hành động cũng như những giải đáp, kiến nghị của Bộ trưởng đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía cử tri tại nơi Bộ trưởng tiếp xúc. Đặc biệt, trong dịp trở lại tiếp xúc cử tri lần này, Bộ trưởng rất xúc động khi tiếp tục nhận được những tình cảm trìu mến, sự chào đón nồng hậu và ủng hộ nồng nhiệt của đông đảo người dân miền ven biển.
Bình dị mà cương trực
Đó là nhận định của hầu hết các cử tri ở vùng ven biển tại Kiên Giang nói riêng và người dân nơi miền sông nước nói chung dành cho Bộ trưởng Lê Thành Long khi Bộ trưởng tiếp xúc cử tri để lắng nghe tiếng lòng từ cơ sở. Bày tỏ những tình cảm đặc biệt chân thành của mình đối với Bộ trưởng Lê Thành Long, nhiều cử tri chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ trước một người là Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Chính phủ được Trung ương giới thiệu ứng cử tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang trọng trách là Đại biểu Quốc hội vừa là người đứng đầu Bộ Tư pháp, thế nhưng Bộ trưởng xuất hiện trước dân với phong thái vô cùng bình dị, gần gũi, thân tình nhưng đầy cương trực, quyết đoán trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt Bộ trưởng rất am hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người nông dân. Khi tiếp xúc, Bộ trưởng luôn đặt mình vào vị trí của người dân để lắng nghe”

Mặc dù trong những ngày qua, thời tiết tại các tỉnh miền Tây không thuận lợi với những cơn mưa nặng hạt kéo dài, thế nhưng với những tình cảm đặc biệt dành cho cử tri Kiên Giang, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn xuất hiện sớm hơn thời gian dự kiến 30 phút tại các lần tiếp xúc cử tri để người dân không phải chờ đợi. Đáp lại tấm chân tình đó, tại các điểm Bộ trưởng tiếp xúc, cử tri luôn có mặt đông đủ để trực tiếp gửi gắm ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân dành cho người đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước dược dân tín nhiệm.
Lắng nghe để thấu hiểu dân
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề “nóng” của xã hội được dư luận, cử tri và người dân cả nước đặc biệt quan tâm thời gian gần đây như: sự cố môi trường Formosa, vụ vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, quặng Titan, việc khai thác vàng ở Quảng Nam, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường… Cử tri Kiên Giang cũng đặc biệt quan tâm trước những tác động và thách thức lớn của biến đổi khí hậu đe dọa môi trường sống của người dân, nhất là tình trạng hạn, mặn ngày càng gay gắt tại Kiên Giang và nhiều địa phương ở ĐBSCL vừa qua; đồng thời mong muốn nhà nước cần sớm có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp, đảm bảo đời sống cho bà con nông dân, xem xét vấn đề xuất chuyển đổi cơ cấu trồng lúa sang nuôi tôm ở vùng bị nhiễm mặn... giúp dân ổn định sinh kế bền vững.

Ân cần lắng nghe từng ý kiến của cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền những ý kiến của cử tri quan tâm, đặc biệt là các vấn đề về tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, việc giải quyết việc làm... đồng thời khẳng định: “Với trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri, tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri và nắm bắt thông tin để kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền. Đối với những việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành Tư pháp thì chủ động giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.”
Liên quan đến tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang xây dựng Đề án, quy hoạch sản xuất nông nghiệp ĐBSCL, huy động các nhà khoa học nghiên cứu quy hoạch các vùng chuyên canh, giống vật nuôi và cây trồng cây phù hợp. Bên cạnh đó, để giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu Chính phủ đã có Đề án quy hoạch sản xuất nông nghiệp để tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu đối với 9/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL. Đồng thời tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng cũng đã giải đáp và chia sẻ những vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề ô nhiễm môi trường và thông tin đến bà con cử tri về công tác đẩy mạnh phòng chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tham gia ý kiến với địa phương về các vấn đề pháp lý trong thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; giảm thủ tục hành chính phức tạp và tháo gỡ khó khăn cho địa phương… Với cương vị là người đứng đầu ngành Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề cử tri đặt ra trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Chia sẻ với chúng tôi về hoạt động gặp gỡ tiếp xúc cử tri trong những ngày qua, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Chỉ có đi sâu vào đời sống người dân, nghe dân nói, thấy dân làm mới hiểu được người dân. Tuy ở vùng xa xôi nhưng người dân rất quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Những vấn đề mà các cử tri quan tâm hầu hết đều sát với thực tế, tình hình xã hội đang diễn ra hiện nay”.

Tại lần tiếp xúc cử tri lần này, đồng hành và chia sẻ phần nào những khó khăn với những gia đình bà con cử tri có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đơn vị số 2 đã trao 9 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thế, một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện An Minh được tặng quà, cho biết rất cảm kích trước những tình cảm của Đoàn ĐBQH và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã dành cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công chứng
Cũng trong chuỗi hành trình chuyến đi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác cũng đã tranh thủ thời gian đến tham dự Đại hội Hội Công chứng viên lần thứ I tỉnh Kiên Giang. Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động công chứng của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn về mặt pháp lý các giao dịch trên địa bàn tỉnh. “Đây không chỉ là tổ chức hội nghề nghiệp đơn thuần mà còn là nơi để các công chứng viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Để Đại hội công chứng viên lần thứ nhất tỉnh Kiên Giang đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và tổ chức hoạt động của Hội Công chứng viên tỉnh Kiên Giang hiệu quả, thiết thực, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung, giới thiệu, lựa chọn những công chứng viên thật sự tiêu biểu, có năng lực nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, ý thức đoàn kết vì hoạt động tập thể, có bản lĩnh chính trị và nhiệt tình, năng động trong hoạt động hội, tâm huyết với nghề công chứng để bầu vào Ban chấp hành hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu sớm ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả; tăng cường phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ công chứng viên, đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và sự ủng hộ của các sở, ban ngành địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hoàn thiện thể chế công chứng, xác định rõ phạm vi của công chứng, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này” là một chủ trương lớn của Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp
Đến thăm và làm việc với Lãnh đạo chủ chốt tại hai tỉnh Sóc Trăng và Vĩnh Long, Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo hai địa phương. Tại Sóc Trăng, tiếp Đoàn có Bí Thư tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể; ông Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Lâm Văn Mẫn - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự (THADS) cùng lãnh đạo các sở ngành. Tại Vĩnh Long, tiếp Đoàn có ông Trần Văn Rón, Bí thư tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; đại diện Sở Tư pháp, Cục THADS tỉnh và các sở, ngành.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo về tình hình kinh tế chính trị, xã hội, đặc biệt là công tác của ngành Tư pháp và THADS hai tỉnh, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được của hai địa phương trong công tác tư pháp và THADS, đồng thời đề nghị ngành Tư pháp cần cố gắng phát huy tốt vai trò cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng như hoàn thành tốt trách nhiệm được giao của ngành.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo và các sở, ban, ngành của hai tỉnh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trước những yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới, các địa phương cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm đánh giá, kiểm tra, đôn đốc tập huấn công tác hành chính tư pháp ở các cấp đảm bảo phục vụ tốt cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thừa phát lại và luật sư.

Trên cơ sở đề nghị hai địa phương duy trì lịch làm việc hàng năm với Sở Tư pháp, nghiên cứu ưu tiên tăng thêm biên chế cho ngành, có cơ chế hỗ trợ thêm kinh phí, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp trong công tác thi hành án, Bộ trưởng lưu ý ngành Tư pháp địa phương cần xác định rõ công việc trọng tâm, nỗ lực hơn nữa trong công tác hoạt động của ngành; phát huy sáng kiến mới, cách làm mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ giao một cách nghiêm túc, trung thực. Về công tác THADS, Bộ trưởng ghi nhận và chia sẻ những khó khăn với địa phương, bởi đó cũng là những khó khăn chung. Tuy nhiên, công tác thi hành án ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, tổ chức nên cán bộ thực thi phải nghiên túc, không để ra sai sót, nếu cần thì xin ý kiến tham mưu chỉ đạo. Các đề xuất về chế độ chính sách trong khả năng của Bộ và Tổng cục sẽ hỗ trợ. Đồng thời, cần chú trọng vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành. Đồng thời, đề nghị ngành THADS địa phương cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa vai trò, vị trí của ngành trong lĩnh vực tư pháp, qua đó người dân hiểu biết thêm vai trò quan trọng của ngành. Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng lưu ý địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp.
                                                                                                       Hà Vy- Thành Thật