Cần cơ chế đảm bảo cho nghề Thừa phát lại phát triển

27/07/2016
Cần cơ chế đảm bảo cho nghề Thừa phát lại phát triển
Làm rõ vị trí, vai trò, tính chất của nghề Thừa phát lại; quy định phạm vi hành nghề Thừa phát lại sao cho khai thác được tối đa khả năng mà nghề này cung cấp được cho xã hội, cơ chế đảm bảo cho nghề này phát triển… là những nội dung được quan tâm góp ý trong cuộc họp về định hướng xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định) chiều 21/7. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp.
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm khắc phục phần nào những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm chế định Thừa phát lại, tiếp tục phát huy những tác động tích cực của chế định này đối với đời sống kinh tế - xã hội và tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, còn góp phần đảm bảo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 107/2015/QH13.
Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tiêu chuẩn của Thừa phát lại nhằm tăng cường chất lượng, xây dựng đội ngũ Thừa phát lại có chuyên môn, đạo đức và kỹ năng hành nghề. Ngoài các tiêu chuẩn hiện hành, người mong muốn được bổ nhiệm Thừa phát lại phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề trong thời gian 6 tháng và trải qua 6 tháng tập sự hành nghề. Ngoài ra, dự thảo cũng dự kiến bổ sung quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại để làm rõ địa vị pháp lý của Thừa phát lại, những việc Thừa phát lại được làm và không được làm.
Hầu hết các ý kiến tại cuộc họp đều đồng tình với việc giữ nguyên quy định hiện hành về 4 loại công việc Thừa phát lại được làm (tống đạt văn bản; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án, quyết định của Tòa án) nhưng trong từng công việc cần mở rộng phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại. Ngoài ra, đại diện Tổng Cục THADS cho rằng dự thảo Nghị định cần thu hút có chọn lọc các Nghị định, Thông tư quy định hiện hành về Thừa phát lại, nên loại bỏ những quy định mang tính chất thí điểm không cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động hành nghề Thừa phát lại, cần bổ sung một số quy định mở như chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các văn phòng thuê trụ sở để phục vụ người dân một cách tốt nhất, đề xuất quy định bảo đảm tài chính tối thiểu cho người hành nghề Thừa phát lại do tính chất công việc còn chưa ổn định…
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu Cục Bổ trợ tư pháp cần có đánh giá, rà soát pháp luật một cách toàn diện để từ đó đưa ra được các định hướng đúng đắn xây dựng Nghị định. Thứ trưởng cũng lưu ý, bên cạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ thì cũng cần khuyến khích những mặt mà nghề Thừa phát lại đã làm được đồng thời đề xuất cần có cơ chế để đảm bảo cho nghề này phát triển.
Kim Quy