Nghiên cứu xây dựng Luật đăng ký tài sản để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

08/07/2016
Nghiên cứu xây dựng Luật đăng ký tài sản để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, những thành tựu trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã góp phần chung vào những thành tích của Bộ, ngành Tư pháp, vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân dịp Cục kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã dành thời gian trả lời phỏng vấn về những kết quả đạt được, những định hướng phát triển tới đây của công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.
Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội
Phóng viên: Với vai trò là Cơ quan giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước, xin Bộ trưởng cho biết một số thành tựu đạt được của công tác này qua 15 năm xây dựng, trưởng thành?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Một là, pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm đã bước đầu được xây dựng tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền quản lý và đăng ký giao dịch bảo đảm trong cả nước, góp phần tạo hành lang pháp lý, cải thiện môi trường cho vay có bảo đảm tại nước ta và giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Hai là, thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm đã phát huy vai trò tạo cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân với các định chế tài chính, tín dụng trên thị trường vốn, thị trường tín dụng, thị trường kinh doanh bất động sản.
Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đã thực sự đi vào nề nếp và chứng minh được xu hướng phát triển của đăng ký giao dịch bảo đảm trước sự vận động của nền kinh tế thị trường là kịp thời và đúng đắn, đã được sự thừa nhận và đánh giá tích cực của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Qua đó, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ, công tác trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp cũng như vào quá trình cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thông qua hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, các cá nhân, tổ chức trong xã hội có thể dễ dàng dùng các loại tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, cũng như có căn cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia giao dịch.
Ba là, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm được tăng cường. Cục đã chính thức vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản từ ngày 19/3/2012. Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, Hệ thống đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm vận hành là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cụ thể mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công của Nhà nước cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm lại những thành tựu chủ yếu mà công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đạt được trong 15 năm qua cho thấy, có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, cả về bề rộng và chiều sâu, thể chế và tổ chức bộ máy không ngừng được củng cố, kiện toàn; hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đã thực sự phục vụ đắc lực cho các giao dịch được ký kết, thực hiện an toàn, minh bạch, công khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn kinh tế - xã hội sôi động của đất nước trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng Luật đăng ký tài sản
Phóng viên: Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp có những định hướng nào để phát huy hơn nữa vai trò của thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Thể chế hóa quyền tài sản, bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt…”.
Bên cạnh đó, cần đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa mới được kiện toàn đang tập trung phương thức chỉ đạo điều hành theo hướng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Theo tinh thần trên, thời gian sắp tới, phải tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, của Bộ luật Dân sự năm 2015, cần tập trung thực hiện tốt 03 việc sau đây:
Một là, nghiên cứu xây dựng Luật đăng ký tài sản để tạo một khuôn khổ pháp lý thật sự đầy đủ, công khai, minh bạch, về tình trạng pháp lý của tài sản, giao dịch. Có như vậy, mới đảm bảo được tính an toàn, tính dự báo, tính chắc chắn trong các giao dịch về dân sự, thương mại trong nền kinh tế và góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền và một hệ thống hành chính công vụ trong sạch, vững mạnh. Về lâu dài, việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm phải đặt trong tổng thể đảm bảo đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, nhà ở, hàng không, hàng hải, pháp luật về đăngký tài sản, pháp luật về thủ tục tố tụng dân sự (phần về chứng cứ, thủ tục rút gọn).
Hai là, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi và giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện  tốt việc liên thông giữa các thủ tục công chứng, thuế và đăng ký giao dịch tài sản nhằm giảm thiểu chi phí cho các cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, nâng cấp và hoàn thiện phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm đạt mức độ 4 vào cuối năm 2016.
Phóng viên: Bộ trưởng có thể nhắn nhủ đôi lời với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Cục?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Tôi tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức nghề nghiệp; đoàn kết, hợp tác trong công việc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong những năm tiếp theo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hoàng Thư (thực hiện)