Triển khai chương trình đào tạo luật sư hội nhập quốc tế

09/06/2016
Triển khai chương trình đào tạo luật sư hội nhập quốc tế
Chiều 8/6, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì tọa đàm góp ý về nội dung và cách thức triển khai chương trình đào tạo luật sư hội nhập quốc tế. Tọa đàm có sự tham gia của một số luật sư trong và ngoài nước, đại diện một số cơ sở đào tạo và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhằm đào tạo học viên có phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Với kiến thức, kỹ năng và phẩm chất được trang bị, học viên có thể tham gia tư vấn, tranh tụng và làm các công việc khác liên quan đến hội nhập quốc tế cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết: trong quá trình giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế thời gian qua, vai trò của luật sư Việt Nam còn nhiều hạn chế do số lượng luật sư có thể tư vấn hoặc tham gia tranh tụng trong các vụ việc nêu trên không nhiều. Do đó, việc  xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo kỹ năng hành nghề, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Theo Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế mà Học viện Tư pháp đang xây dựng, thời gian đào tạo là 12 tháng với hình thức đào tạo tập trung. Chương trình đào tạo được thiết kế thành các môn học với tổng số 33 tín chỉ, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt và tiếng Anh. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư (Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế), có giá trị pháp lý như Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo cũng như cách thức triển khai chương trình trên thực tế. Cụ thể, nhiều đại biểu mong muốn chương trình cần chú trọng đến vấn đề ngôn ngữ, các học viên phải đảm bảo trình độ tiếng Anh để học tập và làm việc. Đồng thời, cần chú ý tới chất lượng giảng viên, đảm bảo tỷ lệ giảng viên là người thực hành nghề luật sư, người đã trực tiếp tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Về chương trình đào tạo, có ý kiến cho rằng nên có sự dung hòa giữa sự chủ động của giảng viên và nhu cầu của cơ sở đào tạo, đặc biệt chú ý tới việc đào tạo kỹ năng cho các học viên…
P.V