Thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng: Cần có các giải pháp cụ thể

08/06/2016
Thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng: Cần có các giải pháp cụ thể
Ngày 8/6, phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế số 01 về phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu các Cục trưởng THADS phải quyết liệt trong rà soát và đề ra các giải pháp cụ thể để thi hành các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Cùng dự hội nghị có Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến và Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành.
Đề nghị cho phép tổ chức tín dụng tham gia quá trình bán đấu giá.
Báo cáo sơ kết thực hiện Quy chế, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết: năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, số việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 33.365 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Số việc đã thi hành xong được 4.282 việc, tương ứng với số tiền gần 24 nghìn tỷ đồng. Nếu xét riêng kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng theo năm thì năm 2015 đã tăng gấp khoảng 4 lần số việc và gấp 3 lần số tiền so với cùng kỳ năm 2014, còn 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng trên 41% số việc và tăng hơn 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Tổng cục THADS cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan, trong đó NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đúng trình tự, thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay và có cơ chế quản lý hiệu quả tiền vay của khách hàng.
Cùng chung nhận định Quy chế đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của các cơ quan liên quan, trên tinh thần thẳng thắn, các tổ chức tín dụng, các cơ quan THADS đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại cũng như kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.
Ông Phạm Mạnh Thắng, đại diện Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC cho biết, tính đến cuối năm 2015, VAMC còn 670 vụ việc phải thi hành án với số tiền hơn 6500 tỷ đồng, tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Thắng, thời gian qua VAMC đã phối hợp với Tổng cục THADS lựa chọn một số vụ việc điển hình làm thí điểm và cho kết quả rất tích cực. Ông Thắng mong muốn ”VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ của các chủ nợ, vấn đề mà hiện nay một số địa phương không chấp nhận”.
Cũng đề cập những khó khăn trong thực hiện Quy chế 01, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV phân tích: về thứ tự ưu tiên xử lý các tài sản đưa ra thi hành trong vụ việc có nhiều tài sản cùng được yêu cầu THA thì về nguyên tắc tất cả các tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của bên THA đều phải được xử lý đồng thời khi người được THA yêu cầu (trường hợp các bên không có thỏa thuận khác). Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp cơ quan THA yêu cầu phải thi hành tài sản của khách hàng vay trước tài sản bảo đảm của bên thứ ba hoặc có văn bản đề nghị Tòa án xác định thứ tự xử lý các tài sản trong bản án, dẫn đến quá trình THA bị kéo dài. Do đó, theo ông Phương cần xử lý đồng thời theo đúng quy định. Bên cạnh đó, ông Phương cũng đề nghị cho phép tổ chức tín dụng được tham gia quá trình bán đấu giá tài sản, vừa góp phần hỗ trợ chấp hành viên, vừa bảo đảm tốt hơn quyền của người có tài sản bảo đảm.
Phản ánh những khó khăn trong việc thu hồi nợ ở các địa bàn làng nghề, có quan hệ dòng họ, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh cho rằng ở những địa bàn này, người vay thường nhìn nhau, chỉ cần không cưỡng chế 1 trường hợp các trường hợp khác cũng sẽ chây ỳ, tạo tiền lệ rất xấu do đó ông Vinh mong muốn, Tổng cục THADS, NHNN tiếp tục phối hợp chặt với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp dứt điểm để thi hành các vụ việc này.
Trong khi các tổ chức tín dụng kêu khó, cơ quan THADS cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Dẫn chứng nhiều vụ việc khó xử lý với tài sản thế chấp, Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Chu Quang Tiến đề xuất NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm định các tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay đề nghị chặt chẽ để không bị rơi vào các tình huống không xử lý được hoặc khó xử lý đối với tài sản thế chấp. Còn Phó Cục trưởng THADS TP Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Loan đề nghị nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi tham gia giải quyết các việc THA; thường xuyên cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan THA theo đúng quy định của pháp luật.
Phải lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả sau thời gian thực hiện Quy chế 01 và nhấn mạnh ”Quy chế đã đi vào đời sống”. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại như số tiền, việc tồn đọng còn nhiều, nhận thức của một số cơ quan THADS còn hạn chế, một số tổ chức tín dụng còn lúng túng trong nhận lại tài sản thế chấp... Chỉ rõ các nguyên nhân, trong đó lưu ý những nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu của Chính phủ hành động, một Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân thì Bộ Tư pháp và NHNN cùng phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu các Cục trưởng THADS phải quyết liệt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần rà soát các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng, qua đó đề ra các biện pháp cụ thể để xử lý, thi hành ngay. “Cơ quan THADS nào gây khó dễ đề nghị phản ánh với lãnh đạo Tổng cục, thậm chí có thể phản ánh ngay với lãnh đạo Bộ (Thứ trưởng Trần Tiến Dũng -PV)”. Thứ trưởng đồng thời yêu cầu các Cục trưởng phải lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực để đảm bảo quá trình kê biên, đấu giá đúng pháp luật và hiệu quả. Những vấn đề cần hướng dẫn, Tổng cục THADS và Vụ Pháp chế NHNN cần chủ động tham mưu để hướng dẫn kịp thời nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau, làm chậm quá trình THA.
                                                                                          Thu Hằng