Ngày 25/5, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp với Văn phòng Bộ về công tác văn phòng. Tham dự Cuộc họp có Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng, Lãnh đạo Văn phòng Bộ, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ: Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Thi đua – Khen thưởng, Cục Công nghệ thông tin và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Văn phòng Bộ.
Đột phá, chủ động hơn trong công tác phối hợp
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác văn phòng 05 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng tiếp theo, ý kiến phát biểu của Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, những kết quả mà Văn phòng Bộ đã đạt được trong 05 tháng đầu năm 2016 là khá toàn diện.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, Văn phòng Bộ đã có nhiều bước đột phá, chủ động, sáng tạo hơn trong phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, nhất là trong giai đoạn Lãnh đạo Bộ có sự chuyển giao; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào hiệu quả công tác của Bộ, Ngành.
Kết quả nổi bật có thể kể tới như công tác tham mưu, tổng hợp ngày càng cho thấy sự đổi mới, đạt nhiều kết quả tích cực. Văn phòng đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Việc chuẩn bị tài liệu phục vụ Lãnh đạo Bộ trong các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Hội nghị, cuộc họp giao ban Lãnh đạo Bộ tương đối chất lượng. Chương trình công tác của Lãnh đạo Bộ được xây dựng, điều phối khoa học, chủ động hơn, góp phần đảm bảo hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành được thông suốt, hiệu quả.
Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Lê Thành Long, việc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác cải cách hành chính, nhất là việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thuộc Bộ Tư pháp (SIPAS) được thực hiện kịp thời. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, triển khai công tác trong công tác quản lý Văn phòng được tăng cường; hiện đã đưa vào vận hành trang thông tin thư viện Bộ Tư pháp (thư viện điện tử); công tác văn thư – lưu trữ cũng đã được tin học hóa, giúp việc phân loại, lưu trữ và tra cứu tài liệu được thuận tiện.
Công tác thông tin, điểm tin báo chí, truyền tải ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tới các đơn vị thuộc Bộ được thực hiện kịp thời, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng được thông suốt, phản ứng nhanh nhạy với dư luận xã hội, bám sát tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng cũng đánh giá công tác hậu cần, lễ tân đã có nhiều cố gắng; công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức luôn được quan tâm, chú trọng, nhất là đội ngũ công chức trẻ....
"
Với tinh thần không ngừng đổi mới, chủ động, sáng tạo, Văn phòng Bộ đã từng bước trưởng thành hơn, ngày càng tiệm cận với tiêu chí chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, qua đó góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp, đưa công tác Tư pháp ngày càng thấm sâu hơn vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước"- Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.
Phải theo kịp "Chính phủ hành động"
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng lưu ý, trong thời gian qua, so với một Chính phủ đang chuyển mình, cũng như những yêu cầu trong giai đoạn mới thì công tác Văn phòng cũng còn một số tồn tại hạn chế.
Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chính phủ mới kiện toàn sẽ chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ “mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”. Chính phủ mới sẽ quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Trên tinh thần đó, cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan rà soát kỹ Quy chế làm việc của Bộ, Quy chế làm việc của Văn phòng và các thể chế nội bộ khác của Bộ, để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tinh thần ”Chính phủ hành động”, trước hết phải thay đổi thói quen cũ không còn phù hợp, tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ, nhằm bảo đảm thực hiện tốt, nhanh, hiệu quả những nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng giao Văn phòng nghiên cứu chữ ký số, chữ ký điện tử của Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị để công việc của Bộ không bị giãn đoạn trong thời gian đi công tác.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ, tăng cường điều phối, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, là nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp; từng công chức trong Văn phòng phải năng động, chủ động, cần phải có sáng kiến, giải pháp để kịp thời tham mưu đề xuất Lãnh đạo Bộ ở tầm vĩ mô trước các vấn đề phát sinh trong thực tế, nhất là những lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành đang được xã hội quan tâm.
Giảm 20% các cuộc họp trong toàn Bộ
Trong chỉ đạo các việc cần làm ngay, đáng chú ý là việc Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu kể từ tháng 6/2016, Văn phòng Bộ phải nghiên cứu, điều phối giảm 20% các cuộc họp trong toàn Bộ; giảm 20% các yêu cầu địa phương báo cáo đột xuất; các Hội nghị cần được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tránh lãng phí; các chuyến đi công tác địa phương, nước ngoài của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ phải tổng hợp nhiều nội dung, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông cáo báo chí nhằm chủ động, kịp thời định hướng dư luận, làm nhân dân quan tâm, hưởng ứng tích cực, tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của Bộ, ngành, cũng như những vấn đề ”nóng” của đất nước.
Mặt khác, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng Công nghệ thông tin trong cơ quan Bộ để phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, góp ý văn bản và cải tiến chế độ báo cáo, thống kê. Đổi mới, chú trọng hơn nưa công tác hậu cần, mà trọng tâm là công tác tài chính - kế toán, trong đó, cần phải tạo điều kiện, không gian tốt nhất để các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng cũng chú trọng đến việc tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương lãnh phí.
Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng yêu cầu Văn phòng Bộ phải tiếp tục quan tâm đến hoạt động của các tổ chức Đảng, Đoàn thể, hưu trí và chăm lo đầy đủ và chu đáo tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là những người có thu nhập thấp; nghiên cứu, tìm các giải pháp để có bữa cơm trưa cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan.
Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong Văn phòng Bộ; thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thuộc Văn phòng, giữa Văn phòng với các đơn vị khác thuộc Bộ; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật, quy chế của Bộ, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, người lao động.