Thực thi có hiệu quả các quy định về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

25/05/2016
Thực thi có hiệu quả các quy định về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung. Các sửa đổi, bổ sung này được các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/5 hoan nghênh và chia sẻ thêm những kinh nghiệm để thực thi hiệu quả các điều khoản mới.
Toàn cầu hóa đem lại thịnh vượng lẫn gia tăng tội phạm
Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiện đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đã phát hiện vụ rửa tiền xuyên quốc gia với đầy đủ chứng cứ ở Đà Nẵng.
Trong vòng 10 năm qua, không chỉ tội phạm rửa tiền mà tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm tham nhũng ở Việt Nam cũng diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Rõ ràng là quá trình hội nhập quốc tế hứa hẹn sự thịnh vượng cho hàng triệu người nghèo khổ trên thế giới thì đồng thời làm cho nhiều người dễ trở thành tội phạm hoặc nạn nhân của các tội phạm mang tính chất quốc tế. Để có thể đấu tranh với các loại tội phạm này, nỗ lực của từng quốc gia đơn lẻ không thể mang lại sức mạnh mà cần phải có sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam rất tích cực tham gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Việt Nam đã là thành viên của một số Công ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UBTOC) và Nghị định thư kèm theo (như Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp, trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em), Bộ 40 khuyến nghị về rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Với định hướng nội luật hóa những quy định liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã có những sửa đổi cơ bản và toàn diện về nhóm các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Thứ trưởng cho rằng, những sửa đổi, bổ sung này đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra
Giới thiệu những nội dung mới cơ bản của BLHS 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn một lần nữa nhấn mạnh, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Cụ thể, đã sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội được quy định trước đây (như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm), BLHS 2015 còn bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Ngoài ra, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung cơ bản cấu thành của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Theo đó, hành vi cấu thành tội mua bán người phải hội đủ cả 3 yếu tố hành vi, mục đích và phương thức, thủ đoạn phạm tội. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố thì hành vi không cấu thành tội mua bán người. Riêng với tội mua bán người dưới 16 tuổi, phương thức, thủ đoạn phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc và Bộ luật có quy định loại trừ đối với trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi vì mục đích nhân đạo nhưng có giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Theo ông Đỗ Khắc Hưởng (Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an), Bộ luật cũng sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền. Nổi bật là BLHS 2015 chỉ rõ dấu hiệu “biết rõ tiền, tài sản do phạm tội mà có” tại Điều 251 BLHS 1999 bằng cách khẳng định tài sản đó là “do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở biết là do người khác phạm tội mà có”. Đây là quy định nêu được 2 hình thức rửa tiền là “tự rửa tiền” (tức là người phạm tội nguồn thực hiện hành vi rửa tiền đối với tiền, tài sản do phạm tội nguồn mang lại) và “rửa tiền” đối với tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có…
Đảm bảo thực thi hiệu quả các đổi mới trong BLHS 2015
Tham dự hội thảo giới thiệu những nội dung mới của BLHS 2015 về nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia diễn ra ngày 23/5, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao và hoan nghênh những sửa đổi, bổ sung của BLHS 2015. Bên cạnh đó, họ đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý về xử lý tội phạm rửa tiền, tội phạm tham nhũng, tội phạm mua bán người.
Đại diện Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) nhấn mạnh, khi gặp phải các vấn đề có tính chất xuyên quốc gia thì cần một giải pháp và quyết tâm chính trị xuyên quốc gia. Vị đại diện này khuyến nghị Việt Nam sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để người thực thi pháp luật áp dụng đúng, thống nhất, góp phần đưa các quy định có liên quan của BLHS 2015 đi vào cuộc sống, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền con người.
Đại diện Bộ Tổng Chưởng lý Australia chia sẻ, Australia và Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác về tư pháp và pháp luật cũng như tăng cường hợp tác với Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia – loại tội phạm ảnh hưởng đến kinh tế, an toàn xã hội. Đại diện Bộ Tổng Chưởng lý Australia mong muốn Việt Nam tiếp tục chung tay, hợp tác quốc tế chặn đứng loại tội phạm này bằng nhiều cơ chế khác nhau bao gồm các cơ chế chính thức và các cơ chế không chính thức.
                                                                                                   Cẩm Vân