Sáng 29/4, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội và 1 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua.
Người dân tự do tiếp cận thông tin
Tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trần Tiến Dũng đã trình bày những nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin.
Với 5 chương, 37 điều, Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Cụ thể hóa quy định tại Điều 25 của Hiến pháp năm 2013, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, Luật còn quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
Đối với trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy Luật quy định họ chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
Luật quy định công dân được tiếp cận bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin mà mình được tiếp cận, Luật quy định về thông tin công dân được tiếp cận, thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện…
Riêng đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của UBND cấp xã (nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước cấp trên và là cấp cơ sở gần với người dân nhất), Luật Tiếp cận thông tin đã giao thêm trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.
Luật quy định trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu trên tinh thần bảo đảm cho công dân được cung cấp thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm xem xét giải quyết kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin theo trình tự và thời hạn của luật định.
Không để tình trạng “treo” luật
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác chuẩn bị để khi Luật có hiệu lực là có thể thực thi ngay vào cuộc sống, tránh trường hợp bị “treo” khi thiếu Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, tới ngày 1/7/2018 Luật Tiếp cận thông tin mới có hiệu lực. Hiện tại, Bộ Tư pháp đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch chung, xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
“Nhằm bảo đảm thông tin được công khai và phổ biến đến người dân ở phạm vi rộng nhất, Luật quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên Trang/Cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết”- Thứ trưởng Dũng nói.
Theo Thứ trưởng Dũng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin công khai đến người dân, thì Luật đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp... Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin, bảo vệ hệ thống thông tin. Quan trọng nhất để thực hiện luật này là đảm bảo điều kiện thực hiện, đầu mối cung cấp thông tin đảm bảo yêu cầu cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.
Thêm nữa, Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp.
Diệu Phạm