Chiều 8/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã kiểm tra công tác Thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự Thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Cùng tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp Hà Nội.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, Chi cục trưởng Đỗ Thế Quang cho biết, 6 tháng đầu năm, trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 295 việc, đạt tỷ lệ 62%, cao hơn 2% so với cùng kỳ. Về tiền đã thi hành xong hơn 26 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước; đã thực hiện đôn đốc 100% các vụ án hành chính kịp thời đúng quy định; Chi cục đã giải quyết xong hơn 280 việc thu cho ngân sách nhà nước, thu số tiền gần 1,2 tỷ đồng; đã giải quyết 3 việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, còn tồn 30 việc… Công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ được tăng cường. Lãnh đạo chi cục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án, đặc biệt là các vụ việc lớn, phức tạp. Những vướng mắc của chấp hành viên đều được giải quyết, hướng dẫn kịp thời. Chi cục cũng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra để phát hiện những tồn tại, sai sót phát sinh trong hoạt động thi hành án nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Quang cũng cho biết, công tác THADS ở TX Sơn Tây còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, lượng tiền án dân sự, kinh doanh thương mại (vay nợ Ngân hàng) chiếm tỷ lệ lớn còn tồn chưa xử lý được. Nhiều vụ cơ quan THADS đã kê biên, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản nhưng giảm giá nhiều lần không bán được, phía ngân hàng không nhận tài sản để đối trừ làm mất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Có vụ giảm giá đến lần thứ 5 vẫn chưa bán được.
Ngoài ra, còn một số lượng án ma túy, phạt bạc với số tiền phải thi hành án lớn, người phải thi hành án là con nghiện hoặc đang chấp hành án phạt tù, bỏ đi khỏi địa phương, không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án, mặc dù thời gian kéo dài song các trường hợp này vẫn không thể thi hành dù là một phần nghĩa vụ khiến không thực hiện được việc xét miễn giảm và đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng.
Bên cạnh đó, với số lượng 13 công chức, 4 chấp hành viên so với số lượng án như hiện nay cũng gây ra những áp lực về công việc.
Ngoài đề nghị sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi Luật THADS Chi cục trưởng Đỗ Thế Quang đề nghị tăng số lượng chấp hành viên cho đơn vị, tăng biên chế, tăng kinh phí chi thường xuyên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…
Tại buổi làm việc, các đơn vị tham dự đều có chung nhận định, công tác phối hợp giữa Chi cục với các ngành liên quan cơ bản chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, theo đại diện VKSND Thị xã phản ánh, khó nhất hiện nay là người phải thi hành không có tài sản thi hành mà không thể miễn giảm. Chánh án TAND TX Sơn Tây Đào Thị Hồng Hải cho biết thêm có những bản án liên quan đến nội dung thì Tòa án không thể đính chính tuy nhiên số lượng việc như vậy rất ít. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TX Phan Thị Hảo nhấn mạnh: vì chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ dẫn đến áp dụng khác nhau, thậm chí còn thiếu sót. Vẫn còn việc ra bản án gây khó cho THADS, một số bản án xử đi xử lại do áp dụng pháp luật không thống nhất.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả trong công tác THADS của TX Sơn Tây. Năm 2016 là năm có nhiều sự kiện, năm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống THADS do đó THADS Sơn Tây không được bằng lòng với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục sáng tạo, đột phá. “THADS Sơn Tây phải bám sát chỉ đạo của Bộ, Tổng cục, Cục và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Bằng nhiều giải pháp phải hoàn thành chỉ tiêu về việc và về tiền”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu THADS Sơn Tây tập trung giải quyết các vụ việc có giá trị lớn, đặc biệt liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các việc đã kê biên bán đấu giá; tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, phòng chống tham nhũng. Trong công tác cán bộ phải quyết liệt, đã làm THADS là phải chấp nhận khó khăn, không thể “ngại va chạm”; nếu phát hiện cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm. Tăng cường các hình thức trao đổi nghiệp vụ; tiếp dân, ứng dụng công nghệ thông tin; tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành để nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Thu Hằng