Hội thảo “Bộ tiêu chí thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”

16/03/2016
Hội thảo “Bộ tiêu chí thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”
Sáng 14/3, trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Thành Long, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Bộ tiêu chí thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” (hay gọi cách khác là thẩm định chính sách). Đây được coi là công cụ hữu ích cho những người làm công tác văn bản khi giai đoạn phân tích chính sách và giai đoạn soạn thảo văn bản được tách bạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề cập đến điểm mới nói trên của Luật năm 2015 và nhấn mạnh việc thẩm định đề nghị về lâu dài nhằm hướng đến đảm bảo tính khả thi của văn bản, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật quý báu của Dự án NLD trong quá trình xây dựng Bộ tiêu chí, Thứ trưởng Lê Thành Long cho rằng, các tiêu chí này sẽ hướng dẫn thống nhất, đồng loạt việc thẩm định chính sách từ Trung ương đến địa phương. Cùng với yêu cầu cần nắm được những tiêu chí cơ bản như thẩm định sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng hay tính hợp hiến, hợp pháp, theo Thứ trưởng, nên tập trung thêm vào tính khả thi của đề nghị xây dựng văn bản nhằm hoàn thiện Bộ tiêu chí.
Giới thiệu Bộ tiêu chí, chuyên gia độc lập Trần Huy Liệu nêu cụ thể các tiêu chí đánh giá trên từng nội dung thẩm định đối với chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định và đối với chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Về tiêu chí đánh giá tính khả thi, ông Liệu cho biết một số góc độ cần phải có trong báo cáo thẩm định như sự phù hợp giữa quy định của chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng văn bản với điều kiện kinh tế - xã hội; sự phù hợp của quy định chính sách dự kiến với điều kiện thực tế về nguồn tài chính, nguồn nhân lực để thi hành văn bản; sự phù hợp giữa quy định của chính sách dự kiến với chủ trương cải cách hành chính…

Tán thành sự cần thiết phải thẩm định trước khi phê duyệt chính sách, đề xuất xây dựng và soạn thảo văn bản, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh quan niệm nội dung thẩm định liên quan trực tiếp đến Bộ tiêu chí. Từ đó, ông Vinh kiến nghị bổ sung các nội dung gồm tính khả thi của chính sách, sự phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những bức xúc, khó khăn ở địa phương, thời gian và lộ trình thực hiện; nội dung chính sách có phù hợp hoặc trái hoặc xâm hại đến quyền con người liên quan đến lĩnh vực đó. Đặc biệt, theo ông Vinh, cần nghiên cứu về cách tính điểm cho mỗi tiêu chí, trong mỗi tiêu chí thì có số điểm cho các tiêu chí thành phần.
Ở khía cạnh đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương mạnh dạn đề xuất xây dựng thành các bộ tiêu chí riêng để thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của đề nghị xây dựng luật, của đề nghị xây dựng pháp lệnh, của đề nghị xây dựng nghị định. Tuy các bộ tiêu chí này có thể có nhiều nội dung trùng nhau nhưng theo ông Cương, có không ít nội dung khác mà người hoạch định chính sách cần lưu ý để tránh xu thế đồng nhất. Chẳng hạn, “khi đánh giá tính hợp hiến của đề nghị xây dựng nghị định, cần bám sát các quy định của Hiến pháp xem vấn đề mà đề nghị xây dựng nghị đinh nêu có thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ không” – ông Cương dẫn chứng.
                                                                                  Cẩm Vân