Năm 2015 đánh dấu những bước đột phá trong công tác tư pháp
Công tác tổ chức xây dựng Ngành trong năm 2015 đã được triển khai theo chiều sâu với mục tiêu trọng tâm là “bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” được xác định trong Chương trình hành động của Ngành nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2015.
Bên cạnh đó, năm 2015 tiếp tục đánh dấu những bước đột phá trong công tác tư pháp với việc kiện toàn nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý, thanh lý tài sản, chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định thừa phát lại trên phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm, công tác tổ chức xây dựng Ngành năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, theo đó:
Thể chế về tổ chức cán bộ của Bộ, ngành được tiếp tục hoàn thiện thêm một bước làm cơ sở cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác Tư pháp trong tình hình mới; Tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ kịp thời được kiện toàn và có bước phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ của Nghị định số 22/2013/NĐ-CP và các văn bản mới được ban hành; Tổ chức bộ máy của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cơ bản được kiện toàn, củng cố và đi vào hoạt động ổn định.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục có chuyển biến tích cực, đặc biệt các khâu quy hoạch, tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đã có sự đổi mới mang tính đột phá và tạo được điểm sáng; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh, trong đó có sự chuyển hướng tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công vụ cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Công tác quản lý hội đã có những bước đổi mới, hoàn thiện về thể chế, bước đầu có sự phối hợp, chủ động giữa các đơn vị có liên quan trong việc xem xét, giải quyết các nội dung về thành lập, quản lý các hội hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Các lĩnh vực công tác gắn liền với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp như bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác thanh niên có bước tiến mới. Việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển đội ngũ công chức, viên chức thanh niên, về bình đẳng giới đã góp phần hình thành nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện, bền vững cả về phẩm chất chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường công tác tiến bộ và văn minh; Công tác giúp việc Ban cán sự Đảng,
mối quan hệ phối kết hợp giữa Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được tăng cường, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác tổ chức cán bộ có vai trò quan trọng trong hiệu quả công tác của Bộ, Ngành
Cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng ngành năm 2015, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, công tác của Bộ, của Ngành có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao hay không phụ thuộc nhiều vào công tác tổ chức cán bộ, đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức phải nỗ lực, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề như: cần quán triệt và chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ gắn với yêu cầu, định hướng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, đặc biệt là các chủ trương, định hướng được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong năm 2016, cần tập trung hoàn thành dứt điểm việc xây dựng Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2035, làm cơ sở xây dựng ngành Tư pháp với chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với thông lệ quốc tế; Triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Thông tư liên tịch số 23 ở cả ba cấp Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch, đồng thời kiểm tra, theo dõi sát tình hình thực hiện Thông tư này; Tập trung triển khai Đề án vị trí việc làm của Bộ, Ngành Tư pháp sau khi được phê duyệt gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức theo yêu cầu nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng, hiệu quả...
Hoàng Vy Anh