Sáng nay - 31/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về công tác Tư pháp quý IV năm 2015. Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Tư pháp chủ trì họp báo cùng sự tham gia của đại diện Lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ.
Tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trong Quý IV và năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó:
Về công tác xây dựng, ban hành VBQPPL: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; cho ý kiến dự án Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đấu giá tài sản; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 văn bản và ban hành theo thẩm quyền 07 Thông tư, Thông tư liên tịch; giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn thành tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Về công tác thẩm định VBQPPL:
Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã thẩm định 74 dự án, dự thảo VBQPPL và 64 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; nâng tổng số thẩm định cả năm 2015 lên 339 dự án, dự thảo VBQPPL và 132 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Về công tác kiểm tra VBQPPL: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra được 421 văn bản, qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 12 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, nâng tổng số văn bản đã kiểm tra cả năm 2015 lên 2.248 văn bản; bước đầu phát hiện 51 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, chiếm 2,3% tổng số văn bản được kiểm tra trong năm 2015.
Công tác kiểm soát TTHC tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng đối với công tác đơn giản hóa TTHC, năm 2015, các Bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hóa thêm 98 TTHC, nâng tổng số TTHC đã hoàn thành thực thi trong nhiệm kỳ 2011-2015 lên 4.481/4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 94,9%).
Kết quả công tác THADS tháng 10, 11/2015, về việc, số thi hành xong tăng 0,59%, về tiền, số thi hành xong tăng 38,07% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, phổ biến, giáo dục pháp luật, đăng ký giao dịch bảo đảm và các công tác khác có nhiều bước phát triển quan trọng.
Các phóng viên tham dự họp báo đã đặt nhiều câu hỏi đối với đại diện của Bộ Tư pháp về các lĩnh vực trọng tâm như xây dựng pháp luật, bồi thường nhà nước, bổ trợ tư pháp, hộ tịch...
Điều kiện để chuyển hình phạt tử hình sang chung thân
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Bộ luật hình sự mới xử lý hướng thiện hơn đối với người phạm tội và đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình. Đối với người bị kết án tử hình, nếu đã khắc phục được ¾ thiệt hại, đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn thì sẽ được xem xét để chuyển hình phạt tử hình sang chung thân. Liên quan đến trách nhiệm rà soát để thực hiện quy định này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, rà soát người bị kết án trách nhiệm thuộc về Bộ Công an, người đang bị điều tra, truy tố trách nhiệm thuộc về Viện Kiểm sát, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối. Để triển khai thi hành Bộ luật hình sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLHS, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật hình sự trong đó có nội dung là rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án.
Không thực hiện tạm ứng trước khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền
Trước câu hỏi của một số phóng viên về việc Nhà nước có thực hiện tạm ứng cho người bị oan sai khi cuộc sống đang gặp khó khăn. Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, khẳng định, không có quy định nào cho phép trước khi thụ lý hồ sơ cơ quan Nhà nước được tạm ứng kinh phí cho người bị thiệt hại. Việc tạm ứng chỉ được thực hiện sau khi có đầy đủ hồ sơ, cơ quan bồi thường và người bị thiệt hại đã thỏa thuận xong và có Quyết định bồi thường của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng liên quan đến vấn đề người bị oan sai mà trách nhiệm có liên quan đến Điều tra viên chính trong vụ án, có phóng viên đặt câu hỏi, Bộ Tư pháp sẽ xem xét như thế nào về việc cựu điều tra viên liên quan đến vụ án oan sai trước đây, hiện nay đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng có dấu hiệu khai man lý lịch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, quy trình cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được Bộ Tư pháp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu Bộ Tư pháp nhận được đơn thư khiếu nại về việc đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư có hành vi khai man lý lịch thì sẽ phối hợp với cơ quan có liên quan để xem xét, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Hoàng Vy Anh