Trong bài trình bày, Bộ trưởng đã khái quát về tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp 2013 và các luật tổ chức; quyền hành pháp theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ; về các chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp Việt Nam; về hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã).
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh nội dung quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp với công tác tư pháp địa phương trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp được thực hiện thông qua một số nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: 1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện công tác tư pháp; 2) Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn và hàng năm trong quản lý và phát triển các lĩnh vực công tác tư pháp; tổ chức thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan tư pháp địa phương, bảo đảm sự thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ trong phạm vi cả nước; 3) Kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương; phối hợp với Bộ Nội vụ Việt Nam và các cơ quan có liên quan ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan tư pháp địa phương; ban hành tiêu chuẩn chức danh đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương, tạo cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ các cơ quan tư pháp của uỷ ban nhân dân các cấp; hỗ trợ cho các địa phương thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ các cơ quan tư pháp địa phương từ tỉnh đến cơ sở.
Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với quản lý công tác tư pháp địa phương ở Việt Nam hiện nay và đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề đặt ra đối với quản lý công tác tư pháp địa phương đáp ứng yêu cầu thi hành Hiến pháp 2013 và xây dựng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với Bộ, ngành Tư pháp, thực hiện Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, trong thời gian tới, pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng cường phân quyền, phân cấp quản lý công tác tư pháp đối với chính quyền các cấp trong các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, chức năng chủ yếu của các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó có Bộ Tư pháp là tập trung vào quản lý vĩ mô, tăng cường chức năng hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và thanh tra, kiểm tra; phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý của Ngành Tư pháp. Bộ cũng cần tập trung hơn nữa vào việc ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, tiêu chuẩn và cả quy trình thực hiện, sau đó kiểm tra việc thực hiện của chính quyền địa phương các cấp và khu vực tư nhân đối với việc cung ứng các dịch vụ công; tập trung theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập bằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách và thậm chí cả phân bổ kinh phí nguồn lực.
Trước đó, ngày 27/12 Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến chào xã giao Bí thư Tỉnh uỷ - Tỉnh trưởng Luông Phạ Băng, đồng chí Khăm Khăn – Chăn Tha Vi Súc. Nồng nhiệt chào mừng Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam, ông Khăm Khăn cho biết trong thời gian qua, tỉnh Luông Phạ Băng và nhiều địa phương ở Việt Nam đã có mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tư pháp và pháp luật. “Trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và phức tạp, có thể nói rằng tình hữu nghị anh em Việt Lào là thuỷ chung, son sắt nhất” – ông Khăm Khăn chia sẻ.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Bí thư – Tỉnh trưởng Luông Phạ Băng; chúc mừng các bạn Lào nhân kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh nước CHDCND Lào và kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Cay Xỏn – Phôm Vi Hản, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào. Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân các dân tộc Lào đã giành được trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VII (2011-2015); chúc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X vào đầu năm 2016.
Bộ trưởng đặc biệt chúc mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Luông Phạ Băng vừa diễn ra cùng những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội mà tỉnh Luông Phạ Băng đạt được trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường và đồng chí Bí thư – Tỉnh trưởng Khăm Khăn – Chăn Tha Vi Súc đánh giá cao kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Luông Phạ Băng và Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh ký ngày 07/9/2012. Hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa tỉnh Luông Phạ Băng và các tỉnh, thành phố của Việt Nam, đặc biệt là giữa Sở Tư pháp tỉnh Luông Phạ Băng và Sở Tư pháp các tỉnh Sơn La, Điện Biên...
Trước đó, trong hai ngày 25-26/12 Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Xiêng Khoảng. Làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư pháp địa phương. “Từ kinh nghiệm của Việt Nam, chúng tôi muốn chia sẻ rằng tỉnh thành nào nào quan tâm, tạo điều kiện cho công tác tư pháp thì tỉnh, thành đó đều phát triển về kinh tế, xã hội, khơi dậy nguồn lực của nguồn lực của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài và đảm bảo an ninh quốc phòng, giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong xã hội....” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ với Bộ trưởng và Đoàn công tác, bà U Thên - Ma Sỷ Sôn Xay, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng khái quát tình hình kinh tế xã hội của địa phương và nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đã đóng góp đắc lực vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Hai bên đánh giá cao và nhất trí sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của tỉnh Xiêng Khoảng và các tỉnh/thành phố của Việt Nam...
Cùng ngày 28/12, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp miền Bắc (Lào) tại Luông Phạ Băng. Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt của thầy trò nhà trường và nhấn mạnh Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ tiếp tục dành sự hỗ trợ tối đa đối với Học viện, đặc biệt về đạo tạo nguồn nhân lực.
PV
“Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Tư pháp Việt Nam và trực tiếp là Bộ Tư pháp cùng các cơ quan tư pháp địa phương đã đảm nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ với cơ cấu tổ chức khác nhau để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tổ chức bộ máy của Nhà nước Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử. Dù có những thay đổi về phạm vi nhiệm vụ quản lý nhưng vị trí của ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước về cơ bản không thay đổi. Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương là các cơ quan hành chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng nội dung quản lý nhà nước lại có liên quan mật thiết đến cả ba nhóm chức năng của bộ máy nhà nước (chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi thay đổi, cải cách trên từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, trực tiếp là việc thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luât, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đều có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác xây dựng pháp luật và tư pháp là sự khẳng định vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước và trong quản lý xã hội, đóng góp chung cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế” – trích bài phát biểu của Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Tin liên quan:
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Lào