Thống kê cho thấy, trong 5 năm vừa qua, có trên 34 ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Tư pháp được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có hơn 800 lượt cán bộ được đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Theo TS. Lê Tiến Châu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thì đây là “những nỗ lực lớn, rất đáng trân trọng”. Tuy nhiên, ông Châu cũng chỉ rõ, công tác đào tạo bồi dưỡng còn những hạn chế nhất định như một số đề án chậm triển khai, hiệu quả chưa rõ; kinh phí cho đào tạo bồi dưỡng còn eo hẹp; nội dung đào tạo bồi dưỡng đôi khi chưa sát yêu cầu; một số đơn vị chưa quan tâm đến công tác này. Do đó, việc tìm những nguyên nhân, quan trọng hơn là tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới là điều theo ông Châu rất được kỳ vọng tại Hội thảo lần này.
Báo cáo của Vụ tổ chức cán bộ do Phó Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Kiên trình bày cho biết: từ năm 2011-2015 Học viện Tư pháp đã đào tạo được 15.936 học viên các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp. Nhiều học viên của Học viện đã được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, chấp hành viên, có nhiều học viên được giữ cương vị lãnh đạo của các cơ quan tố tụng. Thông qua các kênh phản hồi trực tiếp và khảo sát do Học viên thực hiện cho thấy, trên 90% học viên tham gia các khóa bồi dưỡng đánh giá cao về chương trình, tài liệu, giảng viên, phương pháp giảng dạy... của Học viện. Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, trong 10 năm từ 2005-2015 đã đào tạo gần 35.000 sinh viên, học viên. Bên cạnh việc từng bước mở rộng quy mô tuyển sinh, Trường đã tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nhân lực pháp luật cho các địa phương khó khăn. Chất lượng sinh viên ở tất cả các hệ từng bước được nâng cao.
Trong nhiều giải pháp được Vụ Tổ chức cán bộ đề cập, đáng chú ý là đề xuất giữ và thu hút chuyên gia trình độ cao và nhân tài công tác trong ngành Tư pháp. Theo Vụ Tổ chức cán bộ “muốn giữ và thu hút nhân tài đòi hỏi phải có môi trường công tác tốt, chế độ đãi ngộ tương xứng, cơ hội thăng tiến và sự tâm huyết nghề nghiệp. Do đó, cần đổi mới cơ chế thu hút đối với cán bộ về công tác trong ngành Tư pháp, trong đó đề ra những giải pháp có tính đột phá như xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, có chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng…”
Với gần 1 vạn cán bộ công chức trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, thời gian qua công tác đào tạo bồi dưỡng đã được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi thì do kinh phí cấp cho toàn bộ hệ thống chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế dẫn đến tình trạng một số cơ quan chưa kiện toàn được chức danh lãnh đạo, quản lý vì thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm. Cơ cấu ngạch công chức trong hệ thống chưa theo kịp sự gia tăng của lượng việc phải tổ chức thi hành hằng năm. Sai phạm trong công tác THADS xảy ra khá phổ biến, một phần do năng lực, trình độ công chức còn hạn chế. Ông Khôi đề xuất Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế của hệ thống THADS.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước chỉ rõ những hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện nay và đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khi cử cán bộ đi đào tạo phải kiểm soát việc đào tạo. Theo đó, phải biết cán bộ được đào tạo cái gì, nội dung ra sao, phục vụ cho công việc của đơn vị như thế nào. Vụ Tổ chức cán bộ cần nâng cao vai trò trong việc xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo cho phù hợp với vị trí, việc làm vì hiện nay ở nhiều cấp học một số môn học bị lặp đi lặp lại không cần thiết. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng phải phù hợp với từng đối tượng, không nên tràn lan. Phó Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ nên xem xét có thể đưa cán bộ của Bộ về địa phương để có thêm kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng các chế độ ưu đãi phù hợp đối với những đối tượng này.
Thu Hằng
Cục Công nghệ thông tin