Sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý: Ai sẽ là người thực hiện trợ giúp pháp lý?

24/12/2015
Sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý: Ai sẽ là người thực hiện trợ giúp pháp lý?
Ngày 23/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ban Soạn thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) đã họp phiên thứ nhất để thảo luận về những định hướng lớn trong việc sửa đổi dự án Luật này. Ai sẽ là người thực hiện trợ giúp pháp lý? Đối tượng nào sẽ được trợ giúp pháp lý? Công tác quản lý nhà nước về TGPL sẽ được tiến hành ra sao… đang là những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau.

Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp cho biết: trong suốt 8 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, người dân, nhất là người được TGPL. Tuy nhiên, hiện nay, công tác TGPL đang đặt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về mặt thể chế và yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 trong đó ghi nhận quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp cũng khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, nghĩa là phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Do đó, vai trò của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân nói chung, nhất là người được TGPL trước các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội. Cục trưởng Cục TGPL cũng cho biết, hiện nay, thể chế pháp lý mới liên quan đến hoạt động TGPL như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Phổ biến, giáo dục, pháp luật; Luật Hòa giải ở cơ sở, đặc biệt, trong mối tương quan với việc Quốc hội đã thông qua các luật về tố tụng, luật về tổ chức bộ máy để phù hợp với Hiến pháp và tình hình thực tiễn mới, đòi hỏi Luật TGPL cần có sự nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.

   

Trong 9 vấn đề lớn được đưa ra thảo luận, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi đề xuất sửa đổi tên luật thành Luật TGPL của Nhà nước. Luật sửa đổi sẽ quy định về tổ chức và hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách. Hoạt động TGPL theo nghĩa vụ quy định tại Luật Luật sư, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý tự nguyện của các cá nhân, tổ chức khác sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi.

Về người thực hiện TGPL, dự thảo Luật sửa đổi đề xuất người thực hiện TGPL là luật sư. Dự thảo Luật cũng bổ sung những tiêu chuẩn lựa chọn luật sư thực hiện TGPL như: có nguyện vọng, thiện chí thực hiện TGPL; có năng lực thực hiện TGPL; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ tham gia tố tụng; có uy tín trên thị trường dịch vụ pháp lý…

Đặc biệt, về người được TGPL, Luật hiện hành quy định người được TGPL chỉ gồm: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự thảo Luật sửa đổi đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng như người thuộc hộ cận nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình…cho phù  hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo và nhu cầu phát sinh từ thực tiễn.

Ưu tiên trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng

Một trong những vấn đề khiến các thành viên Ban soạn thảo băn khoăn là việc mở rộng đối tượng được TGPL trong khi lại thu hẹp đối tượng người thực hiện TGPL có tạo ra bất cập về nguồn lực và nguồn kinh phí thực hiện công tác này hay không?

Theo quy định tại Luật TGPL hiện hành, người thực hiện trợ giúp pháp lý là Trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý. Người tham gia trợ giúp pháp lý lại bao gồm cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư và tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật. Như vậy, hiện nay, có rất nhiều đối tượng cùng tham gia thực hiện TGPL.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…đều đã và đang tiến hành các hoạt động TGPL cho các thành viên của mình và nhiều tổ chức thực hiện rất tốt hoạt động này. Trung ương MTTQ Việt Nam cũng phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia cử nhiều luật sư, luật gia tham gia TGPL cho người dân ngay tại Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng, nếu bây giờ chỉ quy lại người thực hiện TGPL là luật sư thì sẽ bỏ phí mất một nguồn lực lớn thực hiện công tác này.

   

Tuy nhiên, thống kê của Cục TGPL cho thấy, hoạt động TGPL của các trợ giúp viên pháp lý và một số tổ chức khác tham gia công tác này không được hiệu quả như mong đợi. Số liệu thống kê từ khi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến nay cho thấy, số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng chỉ chiếm 5,8%, còn lại chủ yếu là các hoạt động mang tính “phong trào” như in ấn tờ rơi, tờ gấp, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL; TGPL lưu động. Trong số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thì số vụ việc do luật sư cộng tác viên thực hiện chiếm tới gần 70%, hơn 30% còn lại do trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tổng số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện, số vụ việc tố tụng chỉ chiếm khoảng 4%, còn lại 96% là vụ việc tư vấn pháp luật. Có những Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng nào trong cả năm.

Bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, căn cứ Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 với mục tiêu lấy người được TGPL làm trung tâm, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL theo hướng tập trung vào vụ việc thì việc dự thảo Luật quy định người thực hiện TGPL là luật sư là phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, quan điểm nhất quán trong quá trình sửa đổi Luật TGPL phải là xã hội hóa công tác TGPL, để người nghèo, người yếu thế trong xã hội được hưởng một dịch vụ TGPL chất lượng, không phải kiểu vì miễn phí nên “chưa ra tòa đã biết là thua”. Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ về những vấn đề lớn cần sửa đổi tại dự thảo Luật sao cho các quy định của Luật sửa đổi khả thi và phù hợp với thực tế cuộc sống.

Quang Minh