Tại Thụy sỹ, Đoàn đã gặp và làm việc với Khoa luật quốc tế, Đại học Tổng hợp Geneva; Bộ phận về Tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp và Cảnh sát Liên bang; Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sỹ là những cơ quan trực tiếp tham gia xây dựng Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sỹ. Trong số các cơ quan nêu trên, Bộ phận về Tư pháp quốc tế là đơn vị đã chủ trì đệ trình dự án Luật Tư pháp quốc tế lên các cấp có thẩm quyền của nước này xem xét, ban hành; đồng thời là Cơ quan trung ương của nhiều Công ước trong khuôn khổ HccH.
Trong các buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã thông tin về những chủ trương, chính sách, kết quả trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, hoàn thiện các quy định về tư pháp quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là việc Quốc hội vừa thông qua Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự với những quy định mới về tư pháp quốc tế ngày càng gần hơn với các quy định của HccH và thông lệ quốc tế. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các cơ quan có liên quan của Thụy Sỹ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế, gia nhập và thực thi các Công ước của HccH và đào tạo chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực này. Trường Đại học tổng hợp Geneva, Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang của Thụy Sỹ rất ủng hộ các đề xuất của Thứ trưởng về việc tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Luật tư pháp quốc tế thông qua các hoạt động cử chuyên gia sang Việt Nam; tổ chức các khóa đào tạo tại Thụy Sỹ; cung cấp tài liệu nghiên cứu và tư vấn cho Việt Nam.
Đoàn khảo sát cũng đã được nghe các chuyên gia giàu kinh nghiệm giới thiệu về pháp luật và thực tiễn áp dụng tư pháp quốc tế tại Thụy Sỹ. Thụy Sỹ có riêng một đạo luật về tư pháp quốc tế do Nghị viện Liên bang ban hành ngày 18/12/1987 (sửa đổi gần nhất năm 2014) (Federal Act on Private International Law). Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ tiếp cận tư pháp quốc tế theo nghĩa rộng: điều chỉnh cả xung đột thẩm quyền, xung đột pháp luật, công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Xuất phát từ sự phát triển của các ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính ngân hàng, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao… chủ yếu phục vụ xuất khẩu, đồng thời với vị trí địa lý nằm ở trung tâm Châu Âu nên số lượng các giao dịch thương mại, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại Thụy Sĩ gia tăng với tốc độ lớn. Thực tế đó đã tạo điều kiện cho việc áp dụng rộng rãi Luật Tư pháp quốc tế của nước này. Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sỹ hiện được đánh giá là đạo luật toàn diện nhất hiện nay và được nhiều nước, kể cả Liên minh Châu Âu tham khảo để xây dựng luật riêng về tư pháp quốc tế. Ở Thụy Sỹ quá trình xây dựng và áp dụng Luật tư pháp quốc tế có sự tham gia rất tích cực của đội ngũ những người làm nghiên cứu, giảng dạy. Chính các giáo sư luật là những người đã chắp bút cho dự thảo ban đầu của Luật Tư pháp quốc tế và sau này tham gia vào việc giải thích các quy định của Luật này trong quá trình thực hiện. Từ góc độ Chính phủ, Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang chính là cơ quan chủ trì việc đề xuất sáng kiến xây dựng Luật Tư pháp quốc tế và tổ chức việc lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp quốc tế để trình Nghị viện xem xét, ban hành. Hiện nay, Thụy Sỹ đang tiến hành rà soát, đánh giá lại các quy định của Luật tư pháp quốc tế đề xuất hoàn thiện cho phù hợp hơn với thực tiễn phát triển mới của các quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng như hài hòa hóa quy định trong nước với quy định của các điều ước quốc tế mà Thụy Sỹ mới tham gia.
Trong khuôn khổ HccH, Thụy Sỹ đã phê chuẩn hầu hết các Công ước và là một thành viên rất tích cực trong các hoạt động của Hội nghị. Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang vừa là Cơ quan trung ương đại diện cho Chính phủ Thụy Sỹ tại HccH, vừa là cơ quan đầu mối thực thi các Công ước của Hội nghị. Cách thức tổ chức này giúp cho Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang có thể bao quát, điều phối và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động của Thụy Sỹ trong khuôn khổ Hội nghị một cách nhanh chóng, thuận lợi. Về hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Thụy Sỹ chủ trương ưu tiên gia nhập các điều ước quốc tế đa phương, hạn chế ký kết các hiệp định song phương vì các hiệp định song phương có phạm vi hẹp, tạo ra nhiều cơ chế hợp tác khác nhau, khó theo dõi áp dụng.
Tại Pháp, Đoàn đã gặp và làm việc với Tòa Phá án, Tòa án thẩm quyền rộng Paris, Tòa thương mại Paris là các cơ quan trực tiếp giải quyết các vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải áp dụng tư pháp quốc tế. Các thẩm phán có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư pháp quốc tế đã chia sẻ với Đoàn về tình hình phát triển mới về tư pháp quốc tế tại Châu Âu. Các chuyên gia đều khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của hội nhập quốc tế, di chuyển quốc tế của các tổ chức, cá nhân ngày càng trở nên phổ biến, các giao dịch dân sự, thương mại giữa các nước ngày càng có sự giao thoa đòi hỏi sự phát triển của tư pháp quốc tế. Việc giải quyết xung đột pháp luật, xung đột về thẩm quyền điều chỉnh các quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài cần đặt trong quan hệ hợp tác về tư pháp giữa các nước. Hiện Liên minh Châu Âu đang nghiên cứu để xây dựng một đạo luật chung về tư pháp quốc tế nhằm nhất thể hóa các quy định tư pháp quốc tế trong Châu Âu.
Đặc biệt Đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp Pháp để trao đổi về tình hình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Pháp (Hiệp định). Hiệp định đã được ký kết và đi vào thực hiện từ năm 1999 nhưng số liệu thống kê của phía Việt Nam cho thấy kết quả thực hiện ủy thác giữa hai bên vẫn còn hạn chế (chỉ đạt trên 50%). Đây là lần đầu tiên Cơ quan trung ương của hai bên trực tiếp gặp gỡ trao đổi để chuẩn bị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện nhằm thống nhất các giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này. Bộ Tư pháp Pháp cũng chia sẻ với Đoàn về kinh nghiệm thực thi các Công ước của HccH mà Pháp đã tham gia. Bộ Tư pháp Pháp là cơ quan Trung ương của sáu Công ước trong khuôn khổ HccH (như Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ, Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em…) Khi được Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc thông tin về việc Việt Nam sẽ tiến hành các thủ tục để gia nhập Công ước Tống đạt, Bộ Tư pháp Pháp đã khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị kỹ nhân lực, cơ sở vật chất để thực thi Công ước vì số lượng yêu cầu ủy thác sẽ tăng mạnh khi Công ước có hiệu lực với Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Bộ Tư pháp Pháp tăng cường hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc nghiên cứu về tư pháp quốc tế cũng như gia nhập và thực thi các Công ước của HccH. Bộ Tư pháp Pháp nhất trí sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để giới thiệu kinh nghiệm thi hành Công ước Tống đạt và rà soát hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Pháp trong năm 2016.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng đã có cuộc gặp với bà Carla Deveille-Fontinha, Cố vấn đối ngoại của Chưởng ấn, Bộ trưởng Tư pháp Pháp để thảo luận về chương trình hợp tác chung của Bộ Tư pháp hai bên. Tại cuộc gặp, bà Cố vấn khẳng định Bộ trưởng Bộ Tư pháp Pháp rất quan tâm và mong muốn đến thăm Việt Nam, trong năm 2015 nhưng do điều kiện công tác và các lý do khách quan nên chưa thể thực hiện được. Phía Pháp mong muốn chuyến thăm sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Hai bên cũng đã trao đổi về việc hoàn thiện dự thảo Bản thỏa thuận hợp tác giữa 2 Bộ, trình hai Bộ trưởng ký nhân chuyến thăm.
Qua 5 ngày làm việc tại Thụy sỹ và Pháp, Đoàn khảo sát đã được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin về xây dựng Luật tư pháp quốc tế và thực tiễn thực thi các Công ước của HccH với các cơ quan trực tiếp xây dựng và thực thi pháp luật tư pháp quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về tư pháp quốc tế. Trong bối cảnh Bộ Tư pháp Việt Nam đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Cơ quan trung ương trong khuôn khổ HccH, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế, chuyến khảo sát đã đạt kết quả tốt, đặc biệt hữu ích đối với Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam.
Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp