Diễn đàn Đối tác pháp luật lần thứ 11: Không ngừng bảo vệ quyền con người, quyền công dân

08/12/2015
Diễn đàn Đối tác pháp luật lần thứ 11: Không ngừng bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Tiến độ thực thi Hiến pháp mới và kết quả thực hiện cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người và quyền công dân là trọng tâm thảo luận của Diễn đàn Đối tác pháp luật diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam – đồng chủ trì với sự tham gia của đại diện các Ban của Đảng, đại diện một số Bộ, ngành, các đối tác phát triển và các tổ chức phi Chính phủ.

Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ, những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong hơn một thập niên vừa qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước. “Nhờ đó, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình với vị thế và uy tín ngày càng cao trong khu vực và trên trường quốc tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói riêng về Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ X, Bộ trưởng cho biết, đây là lần sửa đổi, bổ sung có nhiều nội dung rất quan trọng, thực sự là bước tiến trong bảo vệ quyền con người sau Hiến pháp năm 2013. Bộ trưởng cũng trân trọng đánh giá cao tình cảm, sự hợp tác quý báu và mong tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các đối tác trong thời gian tới.

 

 

Tại Diễn đàn, đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã trình bày tiến độ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh chia sẻ kết quả tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ông Khánh đánh giá, thông qua việc thực hiện Chiến lược, nhiều chủ trương lớn được thực hiện trên thực tế và có tác động tích cực, mang lại những chuyển biến sâu sắc trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua. Đặc biệt, một số đạo luật có nội dung phức tạp như Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật tiếp công dân, Luật thanh tra… được ban hành trong giai đoạn này đã góp phần thúc đẩy hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo hướng ngày càng năng động, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ và trách nhiệm trước nhân dân.

 

 

Cơ bản đáp ứng các khuyến nghị UPR

Sau khi đại diện Bộ Ngoại giao trình bày Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã điểm lại những điểm mới trong Bộ luật Hình sự sửa đổi và ý nghĩa của những sửa đổi này đối với việc thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó nổi bật là việc giảm quy định về án tử hình và giảm việc thi hành án tử hình (hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân).

 

 

“Qua nghiên cứu các nội dung của Bộ luật Hình sự sửa đổi và các khuyến nghị UPR có thể thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự đã đáp ứng về cơ bản các yêu cầu triển khai các khuyến nghị UPR. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp, bao gồm biện pháp lập pháp, để không ngừng bảo vệ nhân quyền, quyền cơ bản của công dân” – nguyên Thứ trưởng đúc rút.

 

 

Theo bà Pratibha Mehta, không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn Đối tác pháp luật năm nay tập trung thảo luận về Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR và hệ thống tư pháp hình sự. Bà cho biết: “Quyền con người và tư pháp hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Gần 40% các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận có liên quan đến một khía cạnh nào đó của tư pháp hình sự. Những sửa đổi gần đây trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ có tác động đến nhiều trong số các khuyến nghị này”. Hoan nghênh Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR, bà khuyến nghị xây dựng một thời gian biểu để có thể đánh giá tiến độ thực hiện UPR một cách khách quan cũng như cần huy động sự tham gia của các tổ chức dân sự vào tất cả các giai đoạn thực hiện UPR. 

Thục Quyên 


Ảnh Cục CNTT