Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: Hoạt động của ngành Tư pháp ngày càng minh bạch, tiết kiệm

27/11/2015
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: Hoạt động của ngành Tư pháp ngày càng minh bạch, tiết kiệm
Đây là một trong những thông tin được nêu lên tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp thực hiện nhiệm vụ trong Chiến lược Cải cách tư pháp”. Hội thảo diễn ra vào ngày 27/11 ở Hải Phòng do Bộ Tư pháp tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đối tác tư pháp.

Nằm trong số Bộ, ngành dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin

Báo cáo thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Tư pháp, Phó Cục trưởng CNTT (Bộ Tư pháp) Tạ Thành Trung cho biết, việc triển khai và ứng dụng CNTT trong ngành giai đoạn vừa qua đã có nhiều chuyển biến. Các ứng dụng được xây dựng và thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động của Bộ, ngành, đồng thời cung cấp thông tin pháp luật, dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ cá nhân và tổ chức, làm cho hoạt động của ngành ngày càng minh bạch, tiết kiệm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin. Cụ thể, 100% các đơn vị thuộc Bộ và các Cục Thi hành án dân sự sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong môi trường mạng; 100% các thông tin chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ được  đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ… Nổi bật là các dịch vụ công trong đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, quốc tịch đã được Bộ cung cấp ở mức độ 3 và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

 

 

Quán triệt các quan điểm, định hướng về ứng dụng CNTT theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc khẳng định Bộ Tư pháp là một trong những Bộ, ngành dẫn đầu về mức độ ứng dụng CNTT. Liên quan đến Chính phủ điện tử, ông Phúc cho biết Bộ Tư pháp có một số nhiệm vụ như ban hành quy định pháp lý về chứng từ, hồ sơ điện tử thay thế chứng từ, hồ sơ giấy; xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm về động sản (trừ tàu bay, tàu biển) và các dịch vụ công trong lĩnh vực quốc tịch; triển khai nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống thông tin về quản lý hộ tịch, văn bản quy phạm pháp luật thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thực hiện khai sinh, khai tử qua mạng điện tử; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC)…

Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp trong xây dựng, phát triển đất nước

Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, những kết quả đạt được nêu trên là nhờ có sự chỉ đạo, quan tâm rất lớn của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ, sự cố gắng, nỗ lực của công chức, viên chức, người lao động chuyên trách về CNTT. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận một thiếu sót đáng chú ý là đến nay vẫn chưa trình ban hành Kế hoạch hành động của ngành về thực hiện Nghị quyết 36 và Nghị quyết 26. Trong khi đó, Báo cáo của Cục còn chỉ ra một số hạn chế là nhận thức về CNTT trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị chưa thực sự được đẩy mạnh; một số đơn vị chưa sử dụng hiệu quả các phần mềm được trang bị phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ…

 

 

Để khắc những tồn tại này, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh cho rằng, cần thiết phải nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp, góp phần thực hiện 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ông Tinh chia sẻ, người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc ứng dụng CNTT sẽ càng tăng cường hiệu quả hoạt động của đơn vị. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp với Đảng ủy Bộ Tư pháp chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể đưa công tác ứng dụng, phát triển CNTT vào nội dung hoạt động…

Căn cứ vào các văn bản của cấp trên, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, quản lý vận hành hai hệ thống thông tin lớn của quốc gia gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC) và Hệ thống thông tin điện tử tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền. Để thúc đẩy nhanh hai hệ thống, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh, ứng dụng CNTT là một trong những yếu tố then chốt. “Việc triển khai thành công hai hệ thống cùng với những hệ thống thông tin chuyên ngành không những góp phần xây dựng Chính phủ điện tử theo yêu cầu của Chính phủ mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước” – ông Phan đúc rút.

Thục Quyên


Ảnh: Cục CNTT