Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong đời sống xã hội đồng thời cho biết, trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, dự thảo báo cáo thực trạng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư giai đoạn 1998-2015 sẽ được hoàn thiện, từ đó đề xuất các giải pháp trong những năm tiếp theo.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 62 tỉnh, thành phố, tính đến hết năm 2014, cả nước có 125.932 hương ước/125.083 thôn, làng, bản ấp, trong đó có gần 110 ngàn hương ước, quy ước đã được phê duyệt. Việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước đã từng bước được quan tâm bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các thủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mê tín dị đoan…Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã phát huy sức mạnh của tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước còn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện hòa giải cơ sở.
Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn những tồn tại, hạn chế như thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành TW, UBND các tỉnh, thành phố chưa được đẩy đủ, nghiêm túc; công tác chỉ đạo, hướng dẫn chưa sát sao. Đặc biệt, việc xây dựng hương ước, quy ước ở một số nơi còn hình thức, vẫn còn tình trạng coi việc xây dựng hương ước, quy ước để đảm bảo đủ tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng mà chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế tự quản tại cộng đồng. Nội dung của nhiều bản hương ước, quy ước còn sơ sài, rập khuôn, thậm chí không đúng quy định của pháp luật; Trình tự, thủ tục xây dựng hương ước, quy ước ở một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định. Việc thực hiện hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt ở một số nơi còn mang tính hình thức; chế tài đảm bảo thực hiện ở một số nơi chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa đủ mạnh trong việc áp dụng. Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được xác định là tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong thực hiện. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở những cộng đồng dân cư thực sự có yêu cầu coi hương ước, quy ước là công cụ tự quản. Bên cạnh đó, có các biện pháp nâng cao trình độ cán bộ cấp thôn xã trong việc xây dựng và theo dõi thực hiện hương ước, quy ước; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này.
Cơ bản nhất trí với báo cáo thực trạng về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, đại diện Viện Khoa học pháp lý đề nghị cần nhanh chóng ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 03 giữa Bộ Tư pháp – Bộ Văn hóa Thể thao – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xây dựng và thực thi hương ước. Tùy thuộc vào đặc thù khu vực địa lý nên có hướng dẫn việc xây dựng hương ước cho phù hợp. Nên giao quyền phê duyệt hương ước, quy ước cho Chủ tịch UBND cấp xã để đảm bảo tính phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán ở địa phương. Đại diện Ban Phong trào – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Hoàng Chương lưu ý nên phát huy hơn nữa vai trò của các già làng, trưởng bản – những người có uy tín trong cộng đồng dân cư đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn để việc thực hiện hương ước, quy ước thực sự hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Kiên, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch kiến nghị thêm cần có cơ chế chính sách đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này và thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho các địa phương.
Thu Hằng