Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội

18/11/2015
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội
Sáng nay (18/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Trung Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Dưới đây, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu toàn văn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

 

 

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:

                    Kính thưa:  - Chủ tọa Phiên họp,

                                     - Quốc hội,

Chiều hôm kia, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Thu, Đoàn Long An có câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ với 3 nội dung: (1) Việc quy định chi tiết thi hành Luật công chứng và Luật đất đai có chậm không? Riêng về giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất thì có đồng bộ không? Có sát thực tiễn không? Và quy định chi tiết thi hành Luật công chứng thủ tục hành chính có quá rườm rà, nhiêu khê, làm khổ người dân không? (2) Việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải liên quan đến công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai mới có nghiêm túc, kịp thời không? (3) Thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn sản suất quá phức tạp, giải pháp khắc phục như thế nào? Được sự chỉ định của Chủ tọa Phiên họp, tôi xin trả lời như sau:

1. Về vấn đề thứ nhất

Để quy định chi tiết thi hành Luật công chứng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao ban hành 03 văn bản, gồm 01 nghị định, 02 thông tư. Kết quả đã ban hành đầy đủ 03/03 văn bản[1], đạt 100%. Ngoài ra, để sửa đổi, bổ sung các Thông tư có liên quan cho phù hợp với Luật, Nghị định, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 01 Thông tư liên tịch[2]; Bộ Tài chính đã ban hành 01 Thông tư[3]. Đối với Luật đất đai (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014), để quy định chi tiết thi hành Luật này, Chính phủ, Bộ Tài nguyên – Môi trường được giao ban hành 14 văn bản, gồm 06 nghị định và 08 thông tư. Kết quả, 14/14 văn bản đã được ban hành, đạt 100%. Về tiến độ, việc ban hành văn bản quy định chi tiết Luật đất đai cơ bản kịp thời, có hiệu lực thi hành cùng ngày có hiệu lực của Luật, đặc biệt là 05/06 Nghị định của Chính phủ. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết Luật công chứng nhìn chung thì chậm, từ 04-07 tháng. Bộ Tư pháp xin nhận khuyết điểm về vấn đề này.

Về nội dung, tôi xin khẳng định trong các văn bản nêu trên không có sự thiếu đồng bộ, không sát thực tiễn và cũng không quy định thêm thủ tục hành chính về công chứng, chứng thực giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất. Ngược lại, trong quá trình xây dựng Luật công chứng cũng như quy định chi tiết thi hành Luật này, Chính phủ, Bộ Tư pháp rất quan tâm đến việc đơn giản hóa TTHC, cụ thể như bổ sung quy định khi yêu cầu công chứng, thay vì yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, người yêu cầu công chứng chỉ cần nộp bản chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc chỉ cần xuất trình bản chính để Công chứng viên sao chụp; mở rộng thẩm quyền cho công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân, công chứng bản dịch bên cạnh UBND cấp huyện, cấp xã để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân; quy định về ủy quyền công chứng, theo đó người ủy quyền, người được ủy quyền ở các địa phương khác nhau, kể cả ở nước ngoài, cũng có thể ủy quyền cho nhau mà không cần gặp mặt nhau tại cơ quan chứng thực, lại càng không phải cùng nhau đến Văn phòng công chứng, như Đại biểu nêu.

2. Về vấn đề thứ hai

Đúng như Đại biểu nêu, thực hiện quy định mới của Luật đất đai về công chứng, chứng thực, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, các Bộ liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định mới của Luật đất đai; tránh tình trạng bắt buộc người dân phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng. Trên cơ sở ý kiến trao đổi và ý kiến bằng văn bản của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có 02 Công văn (tháng 11/2014 và tháng 6/2015)[4] hướng dẫn UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc này, theo đó tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng, UBND cấp xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giải thích rõ để tổ chức, cá nhân khi giao kết hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất hiểu được sự giống và khác nhau giữa công chứng và chứng thực, đặc biệt là về hệ quả pháp lý rất khác nhau giữa công chứng và chứng thực, từ đó để người dân tự quyết định việc lựa chọn công chứng hoặc chứng thực phù hợp với nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mình. Bộ Tư pháp cũng đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về vấn đề này tại Công văn số 3222/BTP-VP ngày 04/9/2015. Tuy nhiên, đúng là việc thực hiện 02 công văn nói trên của Bộ Tư pháp có sự không thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc nêu trên, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”, gần đây Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Công văn số 4233/BTP-BTTP gửi HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn về vấn đề này. Hy vọng rằng, việc thực hiện tới đây sẽ thống nhất trong cả nước.

Từ đó có thể khẳng định rằng, việc Bộ Tư pháp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải là nghiêm túc, nhưng có chậm, Bộ Tư pháp xin nhận khuyết điểm về sự chậm trễ này. Tuy nhiên, cũng phải báo cáo với Quốc hội và Nhân dân là cả hai sự chậm trễ nêu trên của Bộ Tư pháp chủ yếu vẫn là do khâu phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương, mong các Bộ liên quan chia sẻ và cùng nhau khắc phục trong thời gian tới.

3. Về vấn đề thứ ba

Đúng như Đại biểu Quốc hội phản ánh, thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất hiện nay, mặc dù đã được đơn giản hóa như báo cáo ở trên, nhưng vẫn rất phức tạp, gây phiền hà cho người dân, nhất là hộ gia đình ở nông thôn. Xin chia sẻ với các gia đình về các thủ tục rườm rà này mà vì thế phải đi vay nóng, lãi suất cao như Đại biểu phản ánh! Song, xin báo cáo Quốc hội, thủ tục phức tạp, phiền hà này không phải là do các quy định của Luật công chứng gây ra, mà là từ quy định của các luật về nội dung như Bộ luật dân sự, Luật đất đai, các văn bản hướng dẫn Luật đất đai, đặc biệt là Bộ luật dân sự, với tư cách là luật nền mà Luật đất đai phải tuân thủ và một phần cũng do thực tiễn lịch sử quản lý, sử dụng đất đai khá phức tạp ở nước ta để lại. Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, Luật đất đai quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình là phù hợp. Bên cạnh đó, do quyền sử dụng đất là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn, nên Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai[5] đều quy định các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình, như thế chấp, phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên hộ gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên. Do đó, khi công chứng, chứng thực các hợp đồng này, tổ chức hành nghề công chứng, cũng như UBND cấp xã, phải yêu cầu tất cả các thành viên có mặt hoặc phải được ủy quyền là đúng quy định của pháp luật, tránh việc tự ý định đoạt, xâm phạm đến quyền sở hữu, quyền sử dụng của các thành viên khác trong hộ gia đình, gây phát sinh khiếu nại, khiếu kiện...v.v.

Để khắc phục bất cập này của pháp luật về nội dung, giảm phiền hà trong việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất, trong đó có hợp đồng thế chấp, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và được sự đồng thuận cao theo hướng không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thông qua người đại diện của hộ. Nếu quy định này được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, các quy định liên quan đến hộ gia đình là chủ thể quyền sử dụng đất trong Luật đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cũng sẽ được sửa đổi cho phù hợp... Đây sẽ là giải pháp căn cơ để giảm thiểu thủ tục hành chính, không còn việc tất cả các thành viên hộ gia đình đều phải có mặt, không có mặt thì phải có giấy ủy quyền để ký hợp đồng, giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất khi công chứng, chứng thực.

Bên cạnh đó, báo cáo Quốc hội thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, để thuận tiện cho người dân, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường, các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế. Theo đó, quy trình thực hiện là tối giản, người dân chỉ phải đi đến duy nhất một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng để nộp hồ sơ và nhận kết quả, thay vì phải đi lại đến nhiều đầu mối như công chứng, thuế, tài nguyên môi trường… Trên cơ sở đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch. Dự thảo Thông tư liên tịch đã được xây dựng xong, đang được đăng tải và lấy ý kiến các Bộ, ngành; dự kiến sẽ được ban hành ngay sau khi hoàn tất thủ tục, trình tự này.

Xin cảm ơn Quốc hội.


[1] Cụ thể: Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng; Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng ; Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 16/6/2015 hướng dẫn một số nội dung của Luật công chứng.

[2] Thông tư liên tịch số 115/2015/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp phí công chứng.

[3] Thông tư số 54/2015/BTC về thu phí sát hạch bổ nhiệm công chứng viên; lệ phí cấp thẻ công chứng viên, cấp giấy đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng.

[4] Công văn số 4800/BTP-BTTP ngày 21/11/2014 và Công văn số 2271/BTP-BTTP ngày 29/6/2015.

[5] Bộ luật Dân sự (Điều 107, 109), Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai (Điều 64) và Thông tư số 02 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (khoản 5 Điều 14)