Tăng giá trị những góp ý của Bộ Tư pháp vào Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng

04/11/2015
Tăng giá trị những góp ý của Bộ Tư pháp vào Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng
Chiều 3/11, PGS.TS Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì Hội nghị của Hội đồng khoa học Bộ để góp ý Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các ý kiến cần tránh dàn trải, nên tập trung vào những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp nhằm làm nổi bật, tăng giá trị những góp ý của Bộ vào Dự thảo các văn kiện.

Dự thảo Báo cáo góp ý của Bộ Tư pháp vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh khá sâu sắc thực tiễn đất nước, đồng thời đề ra những mục tiêu, định hướng chính sách lớn mà đất nước ta cần thực hiện trong 5 năm tới. Những đánh giá về thành tựu đạt được như Dự thảo cơ bản là phù hợp. Nhiều nội dung đánh giá về những hạn chế, yếu kém, những điều chưa làm được là khá thẳng thắn, khách quan. Chủ đề Đại hội XII của Đảng “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” về cơ bản phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mà thực tiễn đang đặt ra, đáp ứng được khát vọng vươn lên của đất nước, dân tộc. Bộ Tư pháp bày tỏ sự nhất trí cao với nhiều nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị.

Tuy nhiên đi vào chi tiết, Bộ Tư pháp cho rằng vẫn còn một số điểm cần tiếp tục được hoàn thiện như một số nhận định, đánh giá và phương hướng, giải pháp của Dự thảo Báo cáo còn chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu các chỉ tiêu được định lượng trong từng lĩnh vực cụ thể, thiếu sự so sánh, đánh giá với mục tiêu đã được Đại hội XI đề ra… Đối với nội dung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, Dự thảo Báo cáo cần xác định rõ hơn đặc trưng, hệ tiêu chí và mô hình cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện; làm sâu sắc hơn các định hướng đổi mới các thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước, đề cao sứ mệnh phục vụ Nhân dân, bảo đảm sự liêm khiết, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; nên bổ sung định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như định hướng chỉ đạo công tác tổ chức thực thi pháp luật trong nhiệm kỳ tới. Ngoài ra, một số nội dung cần diễn đạt lại như nhận định “việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm” là chưa thực sự thấu đáo khi thực tế cho thấy việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chưa hiệu quả, chưa triệt để, chưa đảm bảo đúng chủ trương của Chiến lược cải cách tư pháp…

Tại Hội nghị, các đại biểu, thành viên Hội đồng Khoa học Bộ đã tham gia nhiều ý kiến chuyên môn sâu sắc. PGS.TS Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế cho rằng, việc bổ sung thành tố “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” trong chủ đề Đại hội rất cần cân nhắc diễn đạt lại cho rõ ràng hơn vì tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực sự rõ.

Bàn về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, PGS.TS Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp tán thành phải khẳng định nguyên tắc cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, theo nguyên Thứ trưởng, cũng cần làm rõ giới hạn quyền lực Nhà nước và nhu cầu thiết lập cơ chế bảo hiến.

Góp ý nội dung phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, GS.TS Thái Vĩnh Thắng (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, Dự thảo cần bổ sung định hướng hoàn thiện pháp luật về phát huy dân chủ XHCN, nhất là thúc đẩy các hình thức dân chủ trực tiếp. Trong đó, để thực hiện đầy đủ hình thức dân chủ trực tiếp, ông Thắng nhấn mạnh phải xây dựng, ban hành Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin…

                                                    Hoàng Thư


Anh Cục CNTT